Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Tháp: Độc đáo nghề dệt khăn rằn 100 năm tuổi

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghề dệt khăn choàng (khăn rằn) một trong những nghề thủ công truyền thống có tuổi đời hơn 100 năm ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Nghề truyền thống này từng có nguy cơ mai một nhưng được hồi sinh một cách thần kỳ, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Làng nghề 100 năm tuổi

Làng nghề nằm trên cù lao Long Khánh giữa sông Tiền thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa nơi đây đã bắt đầu hình thành và phát triển. Cùng với sự thay đổi về thời gian, những người làm nghề dệt lụa không mặn và dần chuyển sang các nghề khác phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, trong đó có nghề dệt choàng.

Theo các cụ cao niên tại xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cho rằng nghề dệt khăn choàng có hơn 100 năm nay. Ảnh Hữu Tuấn
Theo các cụ cao niên tại xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cho rằng nghề dệt khăn choàng có hơn 100 năm nay. Ảnh Hữu Tuấn

Theo những cụ cao niên tại xã Long Khánh A kể rằng, những người tiên phong trong việc chuyển từ dệt vải Mỹ A đến dệt choàng để sản phẩm dệt có giá trị ngày hôm nay gồm: Ba Doan (Nguyễn Thị Huệ), Tư Thấu (Nguyễn Thị Thấu) và Út Xu (Nguyễn Thị Xuân). Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, các cụ đem mẫu mã và cách dệt choàng từ Tân Châu về Long Khánh A rồi truyền lại cho người dân nơi đây.

Hiện tại, nghề dệt choàng Long Khánh A có khoảng 60 hộ làm nghề với gần 150 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương. Tùy theo số lượng sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 5,1 triệu chiếc khăn choàng các loại. Mỗi sản phẩm khăn choàng có giá bán từ 50.000 - 160.000 đồng, tùy thuộc vào chủng loại, màu sắc, kích cỡ. Thời thịnh vượng, làng nghề này có hàng trăm hộ dân tham gia dệt, bán khắp tỉnh miền Tây.

Người dân phơi sợi lãnh để dệt khăn choàng. Ảnh Hữu Tuấn
Người dân phơi sợi lãnh để dệt khăn choàng. Ảnh Hữu Tuấn

Bà Nguyễn Thị Mèn (63 tuổi, trú xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) là người có hơn 40 năm theo nghề dệt choàng, cho biết: Công cụ làm nghề cần thiết phải có là bàn dệt (khung dệt) và nguyên liệu chính là chỉ. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn chủ yếu như: xả chỉ, nhuộm chỉ, hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt.

“Lúc đầu, chiếc khăn choàng sản xuất hoàn toàn thủ công, chỉ có hai màu đen - trắng hoặc nâu - trắng, hai màu này đan chéo nhau tạo thành những ô vuông. Chiếc khăn hình chữ nhật, dài 120cm, rộng từ 40 - 50cm. Tuy bình dị, đơn giản nhưng chiếc khăn rằn có rất nhiều công dụng như: dùng để choàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em... Điều đặc biệt đối với sản phẩm là dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt”” bà Mèn cho hay.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Kim Chiều (65 tuổi, ấp Long Tả, xã Long Khánh A) là người có 40 năm tuổi nghề cho biết: Bà từ nơi khác đến đây làm dâu và học nghề dệt khăn từ mẹ chồng. Từ lâu chiếc khăn choàng, áo bà ba như là một biểu tượng của người dân miền Tây.

Bảo tồn và phát triển

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chiều, từ những năm 2000 đến 2012, nghề dệt khăn choàng rơi vào cảnh tiêu điều và có nguy cơ mai một. Năm 2014, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đến thăm làng nghề và ông gợi mở việc thay đổi mẫu mã, màu sắc và phải làm cái hộp đựng khăn. Người ta mua, mang tặng người khác, nhìn sang trọng hơn. Sau đó, người dân làng nghề học cách thay đổi theo hướng dẫn của Bí thư Hoan.

Khăn choàng đã và đang trở thành một trong những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh Hữu Tuấn
Khăn choàng đã và đang trở thành một trong những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh Hữu Tuấn

Năm 2015, xã Long Khánh A đã thành lập Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh với 12 thành viên. Từ đó đến nay, nhờ sử dụng khung dệt máy nên số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 4 - 5 lần so với dệt thủ công. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã sản xuất từ 1,5 - 2 triệu chiếc khăn choàng và sản phẩm từ khăn choàng. Hiện nay, nhờ đa dạng hóa mẫu mã nên sản phẩm của hợp tác xã đang hút hàng, tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và Campuchia.

Bà Trương Thị Thu Thạnh, Phó Chủ tịch xã Long Khánh A, cho biết: Lúc đầu, bà con ở làng nghề dệt choàng làm bằng phương pháp thủ công, sản phẩm chỉ là khăn choàng cổ. Dần về sau, được địa phương tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã đầu tư máy dệt giúp tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm nên thu nhập được tăng cao.

Hình ảnh khăn choàng biểu tượng gắn mãi với người dân các tỉnh Nam Bộ. Ảnh Hữu Tuấn
Hình ảnh khăn choàng biểu tượng gắn mãi với người dân các tỉnh Nam Bộ. Ảnh Hữu Tuấn

“Để giữ gìn và phát triển nghề dệt choàng, xã tiếp tục khuyến khích các hộ sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá khăn choàng, hình ảnh làng nghề. Đồng thời, khuyến khích bà con đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại sản xuất ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường” bà Thạnh cho hay.

 

Năm 2014, sản phẩm khăn choàng của làng nghề Long Khánh A đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định đưa nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (nghề thủ công truyền thống) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Việc giữ gìn và phát huy nghề dệt khăn choàng không đơn thuần chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa cư dân miền sông nước, mà còn ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, lao động đời thường của cư dân. Chiếc khăn choàng cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh, biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó.