Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP tăng 2,22%. Quy mô kinh tế tiếp tục gia tăng, ước đạt 90.384 tỷ đồng, tăng 3.847 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP đầu người đạt 56,45 triệu đồng (tương đương 2.412 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020).
Kết quả thực hiện năm 2021 đạt và vượt 15/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 100% chỉ tiêu môi trường đạt kế hoạch. Tăng trưởng GRDP khu vực nông – lâm – thủy sản đạt 3,14%. Trong thời điểm giãn cách xã hội, lợi thế về nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ, là thế mạnh kinh tế của tỉnh, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn hỗ trợ người dân tổ chức thu hoạch, liên kết tiêu thụ nông sản, hạn chế ùn ứ nông sản.
Giá trị sản xuất khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 45.449 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cùng kỳ (tương đương 1.340 tỷ đồng). Đây chính là lợi thế và thành quả của việc kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh những năm qua.
Tinh thần tự lực, tự quản trong nhân dân tiếp tục được duy trì nhờ sự kết nối của mô hình Hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác. Năm 2021, có 9 hợp tác xã thành lập mới; phát triển sản phẩm OCOP vượt so với kế hoạch, có thêm 104 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (lũy kế tống số có 265 sản phẩm).
Trong năm có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), lũy kế hiện có 103 xã NTM, có 11 xã NTM nâng cao; huyện Cao Lãnh là địa phương thứ 5 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Lấp Vò cũng đã có 100% xã đạt chuẩn, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xét công nhận.
Lĩnh vực công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên với sự linh hoạt thích ứng vượt khó của các DN đã góp phần duy trì sản xuất, không làm đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi ngành hàng. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021 đạt 67.957 tỷ đồng, tăng 2,47% so với năm 2020, nhìn chung các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sản lượng tăng…
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đã không xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm nghiêm trọng. Hoạt động cung ứng các sản phẩm công nghiệp, hàng hóa ra thiết yếu ra thị trường được duy trì. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt hơn 105.200 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2021 của tỉnh đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,44 so với năm 2020…
Công tác an sinh xã hội, tạo việc làm và giảm nghèo được quan tâm. Theo đó, hỗ trợ cho 1.800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Triển khai hỗ trợ người dân, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai an toàn các đợt đón công dân theo kế hoạch tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… gần 1.000 lao động, tổ chức sắp xếp an toàn cho hơn 70.000 lao động hồi hương tự phát…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, nhìn tổng thể, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự xã hội vẫn đảm bảo, thực hiện đạt và vượt 15/22 chỉ tiêu chủ yếu. Đây là kết quả từ chủ trương đúng đắn, thích ứng của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng Tháp quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển”, hành động theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu thực hiện đạt, vượt và hiệu quả 22 chỉ tiêu chủ yếu mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7% trở lên.
Để làm được điều đó, tỉnh đề ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 167 nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, điều hành, trọng tâm triển khai thực hiện 13 nghị quyết, kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Chú trọng kích hoạt các nhân tố tạo động lực phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh như phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số…