70 năm giải phóng Thủ đô

Chứng khoán 17/4:

Dòng tiền "hụt hơi", cổ phiếu bị bán tháo, thị trường thủng mốc 1.200 điểm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng tiền yếu cộng thêm thanh khoản thấp khiến thị trường tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Kết phiên hôm nay, VN-Index giảm 22,67 điểm, tương đương 1,86% xuống còn 1.193 điểm.

Thanh khoản thấp, cổ phiếu bị bán tháo, thị trường thủng mốc 1.200

Dòng tiền yếu cộng thêm thanh khoản thấp khiến thị trường tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Kết phiên hôm nay, VN-Index giảm 22,67 điểm, tương đương 1,86% xuống còn 1.193 điểm. Thanh khoản cả 3 sàn chỉ đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó dòng tiền chủ yếu tập trung vào ngân hàng và bất động sản.

Toàn thị trường có 268 mã tăng, 445 mã giảm. Nguồn: Vietstock
Toàn thị trường có 268 mã tăng, 445 mã giảm. Nguồn: Vietstock

Trái ngược với phiên hôm qua, ngân hàng hôm nay trở thành nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực, lấy đi của thị trường nhiều điểm nhất. 2 ông lớn BID và CTG giảm lần lượt 4,37% và 3,96%, lấy đi của chỉ số chung lần lượt 3 điểm và 1,7 điểm. Ở chiều ngược lại, LPB diễn biến tích cực với mức tăng 3,34% và đóng góp 0,43 điểm cho chỉ số chung, nhưng điều đó là không đủ để cứu thị trường.

Tong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn, không có lấy 1 cổ phiếu tăng. Toàn bộ đều ghi nhận giảm từ 0,5% đến 4,5%. Ngoại trừ vài mã cổ phiếu lớn có đóng góp nhẹ cho chỉ số như MSN hay VNM, tất các các mã có vốn hóa lớn còn lại đều là “sao quả tạ” kéo chỉ số giảm sâu. Theo thống kê, 26 mã thuộc rổ VN30 đã khiến cho VN Index “bốc hơi” hơn 24,4 điểm phiên hôm nay.

Nhóm ngân hàng gần như chìm trong sắc đỏ, nhiều mã giảm trên 3% như BID, CTG, VPB, MBB, SHB, TPB. Các mã còn lại đa phần giảm điểm. Ngược lại ngoài LBP tăng, NAB, SSB và BAB cũng tăng nhẹ, tuy nhiên sắc đỏ hoàn toàn lấn át. 

Nhóm chứng khoán cũng diễn biến tương tự với mức giảm gần 4% toàn ngành. Cụ thể, SSI giảm 2,27%, VND giảm 3,73%, VCI giảm 5,65%, HCM giảm 4,57%, VIX giảm 4,76%, BSI giảm 6,14%, CTS giảm 5,79%, ORS giảm 5,02%. Đa số các cổ phiếu đều ghi nhận giảm sâu từ 3-5%, đặc biệt có FTS nằm sàn.

Nhóm bất động sản nhiều cổ phiếu giảm mạnh như VIC giảm 3,02%, NVL giảm 4,44%, PDR giảm 3,95%, DIG giảm 4,32%, NLG giảm 3,31%, KBC giảm 3,59%, DXG giảm 5,38%. Tuy vậy vẫn có một số cổ phiếu ngược dòng tăng là VPI tăng 1,08%, SZC tăng 1,82%, trong đó QCG tăng kịch trần.

Ở nhóm sản xuất, mặc dù sắc đỏ chiếm đa số nhưng không nhiều cổ phiếu giảm sâu, một vài cái tên có thể kể đến GVR giảm 5,6%, GEX giảm 4,08%, BMP giảm 3,17%, PHR giảm 3,04%. Sắc xanh hiện lên ở MSN, VNM, DBC, ACG, IMP.

Cổ phiếu hàng không và bán lẻ đều giao dịch tiêu cực: VJC và HVN lần lượt mất đi 2,45% và 3,33% giá trị; MWG giảm 1%, PNJ giảm 3,55%, DGW giảm 5,76% còn FRT đứng giá tham chiếu.

Dòng tiền từ khối ngoại cũng không sáng sủa hơn khi nhóm này tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng lên phiên thứ 6. Cụ thể, phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng gần 1000 tỷ đồng, lệnh bán tập trung vào các mã như quỹ FUEVFVND 339 tỷ đồng, VHM 145 tỷ đồng, SHB 94 tỷ đồng, MSN 67 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VNM được mua ròng 106 tỷ đồng, AMD được mua ròng 62 tỷ đồng...

Dính nhiều lùm xùm, cổ phiếu QCG vẫn tăng gần 75% trong tháng

Bất chấp thị trường trong phiên hôm nay giảm mạnh, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) vẫn tăng kịch trần lên 16.700 đồng/cp. Cổ phiếu này ghi nhận tăng mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, đặc biệt vẫn duy trì sắc xanh trong 2 phiên thị trường giảm mạnh vừa qua.

Diễn biến cổ phiếu QCG trong vòng 1 tháng trở lại đây. Nguồn: Vietstock
Diễn biến cổ phiếu QCG trong vòng 1 tháng trở lại đây. Nguồn: Vietstock

Diễn biến này của cổ phiếu QGC diễn ra trong tình trạng Quốc Cường Gia Lai liên tiếp dính vào các vụ lùm xùm lớn gần đây, đặc biệt là thông tin Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan số tiền 2.882,8 tỷ đồng liên quan đến giao dịch tại dự án Bắc Phước Kiển. Trước đó, CEO của Quốc Cường Gia Lai là bà Nguyễn Thị Như Loan cũng bất ngờ tố bị lừa đảo số tiền 130 tỷ đồng. Giữa những luồng thông tin này, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai (QCG) vẫn tăng mạnh. Tính từ 18/3 đến nay, tức là trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu QCG đã tăng gần 75% thị giá. Vốn hóa của công ty cũng theo đó tăng lên gần 4,6 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản cổ phiếu cũng cải thiện, xuất hiện nhiều phiên giao dịch hàng triệu đơn vị.

Điều khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc về sức tăng của cổ phiếu này đó là báo cáo tài chính không mấy khả quan trong năm 2023. Trong năm 2023, QCG báo lãi vỏn vẹn chỉ 7,4 tỷ đồng, giảm 67% so với 2022. Tại cuối năm 2023, Quốc Cường Gia Lai có tổng tài sản 9.567 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ còn tiền và tương đương tiền 28,5 tỷ đồng. Gần 69% tài sản nằm ở bất động sản dở dang tại dự án Phước Kiển, Lavida, Central Premium, Marina Đà Nẵng và một số dự án khác. Về mặt nguồn vốn, doanh nghiệp có khoản nợ vay chỉ khoảng 600 tỷ đồng nhưng phải trả ngắn hạn khác lên đến 4.275 tỷ đồng.

Ngoài phải trả cho Sunny Island thì công ty còn nợ nhiều cá nhân và tổ chức khác như Công ty CP Giải trí Đại dương Vũng Tàu, Công ty CP bất động sản Hiệp Phúc, bà Nguyễn Thị Như Loan, bà Lại Thị Hoàng Yến và cả cổ tức của cổ đông. Về vụ phải hoàn trả tiền cho Trương Mỹ Lan, Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai từng chia sẻ tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 rằng đang chờ điều tra của C03 và quyết định tòa án công ty sẽ phải hoàn trả lại bao nhiêu tiền và lấy lại hồ sơ.