Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng lên mức 93,75 điểm.
Sau khi kết thúc cuộc họp thường kỳ tháng 7, Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất và sẽ xem xét sớm bán trái phiếu đề cân bằng bảng cân đối tài sản. Nỗi lo về một sai lầm thập kỷ của ngân hàng trung ương đã được giải phóng khiến áp lực bán tháo rất mạnh. Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng.
Sang phiên giao dịch này, sức cầu bắt đáy đã giúp đồng bạc xanh tăng điểm. Những tuyên bố về kế hoạch sớm bán trái phiếu và thu tiền về đã giúp đồng USD phục hồi trở lại.
Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng nhiều hơn mức dự báo trước đó. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng tháng thứ 5 liên tiếp gợi ý rằng chi tiêu doanh nghiệp cho trang thiết bị đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong quý II.
Báo cáo đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền cho kết quả tốt hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của đồng USD, vì số liệu kinh tế Mỹ và bất ổn xung quanh chương trình kích thích kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã khiến đồng bạc xanh USD suy yếu trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, thị trường đã tiếp nhận tích cực công bố của FED đưa ra hôm thứ 4 về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại và gợi ý sẽ không vội tăng lãi suất lần nữa.
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong quý II, cao hơn mức 1,4% trong quý I.
Đồng euro giảm 0,4% so với USD, trượt khỏi mốc 1,17 USD. Trong phiên giao dịch đã có lúc đồng tiền chung châu Âu lên đến 1,1776 USD, mức cao nhất kể từ tháng 1/2015. Euro đã tăng hơn 11% so với USD trong năm nay.
Đồng bảng Anh giảm 0,35% so với USD xuống 1,3075 USD. Trong khi đó, đồng USD tăng 1,4% so với đồng franc Thụy Sĩ lên 0,964 franc.