Thực tế ở một vài nơi, sau thu hoạch, người nông dân thường tận dụng rơm rạ để trồng nấm, thu gom, đóng thành bánh bán cho những cơ sở chăn nuôi trâu bò tập trung (thậm chí là xuất khẩu), nhưng số này không nhiều. Để rơm rạ trên đồng ruộng thì khi cày bừa, ruộng đồng sẽ lâu ngấu, do vậy giải pháp tối ưu là đem đốt, vừa nhanh vừa tận dụng tro để có thể tăng được độ phì nhiêu cho đất…
|
Mù mịt khói bụi là chuyện ''cơm bữa'' sau mỗi kỳ thu hoạch. Việc đốt rơm rạ không những lãng phí nguồn tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng nên hướng dẫn nông dân sử dụng rơm rạ một cách có hiệu quả |
Vì những nguyên nhân nói trên, đã nhiều năm nay sau vụ gặt, những cánh đồng ở khu vực ngoại thành lại bao trùm bởi khói. Khói lửa từ rơm rạ cháy theo gió tỏa đi khắp nơi; cộng với thời tiết nắng nóng đã làm cho môi trường không khí. Khói bụi từ việc đốt rơm rạ không những tác động xấu đến môi trường, mà còn làm ảnh hưởng đến giao thông, sức khỏe gây cảm giác bất an khi lửa trùm trên nhiều cánh đồng.
Việc đốt rơm rạ đã được ngành chức năng cảnh báo từ lâu (vì không những tác động xấu đến môi trường), còn lãng phí tài nguyên, bởi nếu biết cách sử dụng, rơm rạ có thể mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn thứ thu hoạch mang về là thóc lúa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở nhiều địa phương người ta đã sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng giúp tăng cường nguồn phân hữu cơ cho đất. Tận dụng nguồn rơm rạ để tạo các sản phẩm có giá trị cao hơn như trồng nấm, ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Vẫn theo tìm hiểu, Hội LHPN huyện Đông Anh từ lâu đã phát động phong trào không đốt rơm rạ đến các hội viên. Trong những năm qua Hội đã tổ chức được 22 lớp đào tạo nghề cho 470 học viên là lao động nông thôn và tổ chức được 35 buổi truyền thông ở 23 xã về thu gom rơm rạ để sản xuất nấm rơm cho 3.500 học viên tham gia. Việc trồng nấm từ rơm đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây khói bụi, góp phần xây dựng môi trường tại địa phương thêm xanh – sạch – đẹp. Thiết ghĩ, đây là điều đáng để các huyện ngoại thành quan tâm học hỏi; bởi cứ duy trì việc đốt rơm rạ như hiện nay ở các địa phương, không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn là một sự lãng phí nguồn tài nguyên sau thu hoạch.