Nửa thập kỷ không giải phóng được mặt bằng
Khu tập thể (KTT) 3 tầng (góc phố Lý Thường Kiệt – Hàng Bài) thuộc sở hữu Nhà nước. Năm 1986, Tổng Cục Du lịch ký hợp đồng với Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm thuê để làm trụ sở. Trong quá trình quản lý và sử dụng, một phần diện tích đã được cơ quan này bố trí làm chỗ ở cho cán bộ nhân viên. Năm 1990, Tổng cục Du lịch xây dựng một khu nhà 6 tầng trên khu đất mặt phố Lý Thường Kiệt (diện tích 272m2) làm văn phòng.
Tại khu đất này có 5 đơn vị, tổ chức và 41 hộ dân đang quản lý, sử dụng. Trong quá trình sinh sống, hầu hết các hộ dân đều phải tự ý cơi nới khu vực chung thành “chuồng cọp”. Đặc biệt có 21 hộ dân đang sử dụng tầng mái của tòa nhà 3 tầng cũ, trong đó 14/21 hộ dân tự cơi nới, lấn chiếm. Các vi phạm trên đã có quyết định tháo dỡ, xử phạt của chính quyền sở tại từ tháng 1/2003.
Từ năm 2008 đến nay, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư trong việc GPMB, nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. DA vẫn không thể triển khai.
Tiếp đó, UBND TP yêu cầu chủ đầu tư triển khai thực hiện DA từ quý I/2011 và hoàn thành vào quý I/2013. Thời hạn đã trôi qua từ lâu, nhưng hiện còn hơn 10 hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Ra giá trên trời để… gây khó
Theo báo cáo ngày 25/8/2017 của UBND quận Hoàn Kiếm, hiện đã có 26/41 số hộ nhận tiền bồi thường hỗ trợ mặt bằng; 5 cơ quan, doanh nghiệp đã di dời. Tuy nhiên vẫn còn 15 hộ dân (trong đó có 2 hộ lấn chiếm nóc tầng 3 làm nhà ở) chưa bàn giao mặt bằng và liên tục có đơn kiến nghị, khiếu nại. Quận Hoàn Kiếm đã có nhiều văn bản trả lời khiếu nại của các hộ dân. UBND TP cũng đã chỉ đạo Thanh tra kiểm tra, trả lời đơn thư của công dân.
Chủ đầu tư cũng nhiều lần trao đổi, tiếp thu kiến nghị của người dân, nhưng một số hộ đề nghị bán lại diện tích đang sử dụng (tất cả đều chưa được mua nhà theo NĐ 61/CP, chưa ký hợp đồng thuê nhà đối với cơ quan quản lý nhà) với mức giá trên trời: 200 triệu đồng/m2 – một con số mà chủ đầu tư không thể đáp ứng.
Đề xuất biện pháp cưỡng chế
Trước việc 15 hộ dân kiên quyết không chịu di dời, ngày 17/11/2016, đại diện các Sở Xây dựng, TN&MT, KH&ĐT đã có cuộc họp thống nhất các nội dung về phương án bồi thường, di chuyển các tổ chức, hộ gia đình tại KTT. Liên ngành thống nhất giao Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, chấp thuận cho áp dụng biện pháp hành chính, thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định pháp luật.
Ngày 22/6/2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP về việc kiến nghị áp dụng biện pháp hành chính, cưỡng chế thu hồi nhà đất của các hộ còn lại. Đây sẽ là biện pháp cuối cùng, bởi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ lâu, đã hoàn thành tất cả các thủ tục hồ sơ pháp lý, phương án đền bù, di dời, tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Và quan trọng nhất, đây không phải là dự án thương mại, mà là một dự án xã hội hóa cải tạo các khu tập thể cũ, các hộ dân vẫn được ở trên chính đất của mình.
Đến 13/7/2017, Liên ngành chức năng đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc áp dụng biện pháp hành chính để thực hiện cưỡng chế thu hồi phần diện tích nhà đất theo điều 71 Luật Đất đai 2013 đối với các hộ dân không chịu di dời.