Theo hãng tin Tass, tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8/3, trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ rằng liệu Washington có nên kéo dài lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, Thứ trưởng Victoria Nuland trả lời: “Tôi nghĩ Dòng chảy phương Bắc 2 hiện đã chết. Tôi nghĩ rằng dự án này sẽ không thể hồi sinh”.
Trước đó, hôm 22/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin dừng việc cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt biện pháp trừng phạt Nord Stream 2 AG - nhà thầu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và lãnh đạo công ty này nhằm đáp trả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đã hoàn thành vào tháng 9/2021, song hiện chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU. Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km có tổng trị giá đầu tư hơn 11 tỷ USD. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm.
Mỹ và các đồng minh châu Âu từ lâu đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 do lo ngại Nga sẽ sử dụng dự án này như một vũ khí địa chính trị và làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Moscow. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại và được thực hiện cùng với các đối tác châu Âu.
Cũng trong ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong khi Nga đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 9/3 thông báo, Tokyo sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), để thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu từ Nga do Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cấm cung cấp thiết bị lọc dầu cho Liên bang Nga.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/3 Nga tuyên bố nước này đã có kế hoạch đối phó với lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Mỹ.
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết Moscow sẽ chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm năng lượng chất lượng cao với mức giá cạnh tranh sang các thị trường khác trên thế giới sau khi Washington áp lệnh cấm vận với ngành dầu mỏ và khí đốt của Moscow.