Việc triển khai dự án KCN ở bất cứ địa phương nào đều khẳng định về thu hút đầu tư, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm… phát triển kinh tế - xã hội, nhưng có nhiều chủ đầu tư cũng than khó vì vướng. Đơn cử với KCN Hải Long, Tiền Hải, Thái Bình.
Nỗ lực thực hiện
Theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, UBND tỉnh Thái Bình xác định một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm 2023 là đẩy nhanh tiến độ dự án KCN Hải Long.
Chủ đầu tư KCN Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh Nguyễn Văn Kiểm thông tin, hiện, doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng KCN Hải Long giai đoạn 1 có diện tích 30,6ha. Theo tiến độ, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đã lập xong phương án bồi thường hỗ trợ với diện tích 30,6ha và đang trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ. Dự kiến, đầu tháng 7/2023 sẽ chi trả tiền GPMB.
Về công tác điều chỉnh quy hoạch và thiết kế cơ sở, đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công phần hạ tầng kỹ thuật của KCN. Dự kiến tháng 7/2023 có quyết định phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN.
Về công tác xúc tiến thu hút đầu tư, đã tiến hành nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm và đã ký các biên bản ghi nhớ về đầu tư tại KCN.
Về xây dựng hạ tầng và giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp, dự kiến đầu tháng 8.2023 bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 của dự án; quý 1.2024 sẽ bàn giao những lô đất đầu tiên cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Nguy cơ chậm tiến độ
Dù nỗ lực vào cuộc, song doanh nhân này nói, việc thực hiện xây dựng KCN này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất là chưa được bố trí chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất công nghiệp.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh đã có kinh nghiệm 16 năm đầu tư, khai thác và vận hành KCN Bảo Minh với diện tích hơn 215 ha tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hiện nay, KCN Bảo Minh đã thu hút 100% diện tích với 14 dự án, chủ yếu là các dự án nước ngoài. Năm 2022, KCN này được đánh giá là 1 trong 12 khu công nghiệp tiêu biểu của cả nước.
Về GPMB, khó khăn thứ nhất do đây là vùng sản xuất chồng lấn giữa nuôi trồng thuỷ sản và cấy lúa cho nên việc hoàn thiện hồ sơ về đất đai, quy chủ, kê khai hộ… rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Tiền Hải đã đo vẽ bản đồ thu hồi đất, xác định chủ hộ… hơn 2 tháng nay nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xong mà chỉ ở khu đất 30,6ha.
Thứ hai, do diện tích đất được giao giai đoạn 1 quá ít, việc GPMB không hết ô, thửa, hoặc cả cánh đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân, xây dựng phương án GPMB để vừa thu hồi đất phục vụ dự án vừa vẫn phải đảm bảo giao thông, thuỷ lợi, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất của nhân dân.
Thứ ba, nằm giữa KCN Hải Long là đường bộ ven biển đang thi công theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng nên diện tích phải GPMB ít, dẫn đến tình trạng đất ruộng xen kẹt giữa đường bộ và KCN chưa được đền bù, việc này cũng dẫn đến bức xúc lớn cho người dân…
Ngoài ra, tuyến đường ven biển là giao thông chính để vào KCN hiện vẫn còn dở dang, đơn vị đầu tư mới làm được khuôn đường, lu lèn cát… nên KCN Hải Long chưa có đường giao thông để phục vụ thi công hạ tầng và nhà máy. Vì thế, gây khó khăn rất lớn cho quá trình thu hút đầu tư vì giao thông là điều kiện tiên quyết để có thể thu hút được nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.
Mong muốn cởi gỡ
Từ thực tế, ông Nguyễn Văn Kiểm cho rằng, những khó khăn đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ GPMB dự án. Kế hoạch triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của KCN bị ảnh hưởng do thiếu tính đồng bộ. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hút đầu tư vào KCN Hải Long.
Dự án KCN Hải Long được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 9/11/2022, do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư. Dự án thuộc địa phận các xã Đông Long, Đông Trà và Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, với diện tích 296,97ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày Nhà nước bàn giao đất. Dự án được động thổ ngày 15/2/2023. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo hơn 24.000 việc làm, đóng góp cho ngân sách tỉnh trung bình khoảng 164 tỷ đồng/năm.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là KCN được thành lập trong Khu kinh tế Thái Bình, đánh dấu sự phát triển kinh tế công nghiệp là động lực, mũi nhọn của tỉnh. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động và người dân địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả; thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại tại địa phương. Do vậy, rất mong sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án bảo đảm theo đúng tiến độ.
“Về phía UBND tỉnh Thái Bình, trước tiên, cần đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành có liên quan sớm quan tâm xem xét bổ sung chỉ tiêu đất công nghiệp và bố trí kế hoạch sử dụng đất cho KCN Hải Long” - ông Nguyễn Văn Kiểm đề xuất.
Đồng thời mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành trong việc chỉ đạo các cơ quan liên quan, tập trung công tác GPMB dự án và giao đất cho nhà đầu tư KCN; chỉ đạo nhà đầu tư tuyến đường bộ ven biển khẩn trương thi công hoàn thành tạo sự kết nối giao thông của KCN ra bên ngoài. Qua đó, phục vụ xây dựng hạ tầng, nhà máy và sản xuất trong khu CN Hải Long. Hiện nay công tác này đang rất chậm so với chỉ đạo của tỉnh.