Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi): Khắc phục bất cập trong hoạt động công chứng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đang được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém; nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hơn 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng, gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số tiền nộp thuế và ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ 70-80% số việc công chứng, giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở…, qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn.

Đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên (383 công chứng viên của phòng công chứng, 2.628 công chứng viên của văn phòng công chứng); 1.295 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 phòng công chứng, 1.175 văn phòng công chứng. Tại 63/63 tỉnh, thành phố đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ T.Ư đến địa phương được thành lập, củng cố, ngày càng hoàn thiện với sự ra đời của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và 60 hội công chứng viên ở các địa phương…

Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp Hà Nội
Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp Hà Nội

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế trên đòi hỏi việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các văn phòng công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) làm sao để hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản; phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức; hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Về cơ bản, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Đồng thời đặt ra các cơ chế phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định như: Xác định rõ hơn khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của công chứng; phát triển đội ngũ Công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại các vùng địa bàn khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, bên cạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp sẽ quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng; làm rõ quyền, nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn.

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết.