Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP Hà Nội, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, có những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân như bài toán “kinh tế vỉa hè”, cải tạo chung cư cũ, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế nạn tắc đường…
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự.
Trong thời gian qua, một số vấn đề đặt ra yêu cầu cần được TP Hà Nội giải quyết cấp bách, như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí… Vậy Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có chính sách, giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
- Để xử lý một cách hệ thống, đồng bộ và có tính bền vững, giải quyết được nạn tắc đường, ô nhiễm không khí… cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trước hết, nhìn về nguyên nhân của các tình trạng tắc đường và ô nhiễm không khí trong khu vực nội đô xuất phát từ tình trạng mật độ dân cư trong khu vực nội đô là quá cao, tiếp đến là các công sở, nhà máy, trường đại học, bệnh viện tuyến T.Ư… đóng nhiều ở khu vực nội đô nên dẫn đến quá tải cho hệ thống hạ tầng và môi trường của khu vực này.
Để giải quyết một cách căn cơ các tình trạng này, cần thiết phải kéo giãn mật độ dân cư, di chuyển các công sở, nhà máy, trường đại học, bệnh viện tuyến T.Ư ra khỏi khu vực nội đô.
Luật Thủ đô 2012 đã có những biện pháp để xử lý vấn đề này nhưng chưa thể giải quyết được vì thiếu các giải pháp đồng bộ và những vấn đề khác.
Do đó, các chính sách của Luật Thủ đô lần này đã đề ra nhiều biện pháp có tính hệ thống để có thể phát triển các đô thị vệ tinh có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển, kết nối được với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông hiện đại (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh…), như Chính sách 4: “Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô” và Chính sách 8 “Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững”.
Những chính sách này kết hợp với các quy định pháp luật hiện hành hy vọng có thể kéo giãn người dân sống và làm việc ở ngoài đô thị trung tâm.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại
Hà Nội còn là do tình trạng ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tại các địa phương xung quanh Thủ đô, hay còn gọi là Vùng Thủ đô.
Do đó, Chính sách 9 “Cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm” sẽ bảo đảm việc quản lý việc giảm phát thải khí nhà kính nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung ở Thủ đô và các tỉnh trong Vùng Thủ đô.
Những chính sách mới này cùng với các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm quy định tại Luật Thủ đô 2012 như Điều 14 (Quản lý và bảo vệ môi trường), Điều 16 (Phát triển và quản lý nhà ở), Điều 18 (Phát triển và quản lý giao thông vận tải), Điều 19 (Quản lý dân cư) sẽ tạo ra một khung thể chế, chính sách và pháp lý có tính hệ thống và đồng bộ.
Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là làm thế nào để giải quyết bài toán “kinh tế vỉa hè”? Liệu Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể giải quyết vấn đề này không, thưa ông?
- Chúng ta cần phải xác định chức năng chính theo pháp luật hiện hành của vỉa hè hay còn gọi là hè đường là dành cho người đi bộ, nhưng vỉa hè ở Việt Nam còn có đặc điểm của phát triển kinh tế, đặc biệt ở Hà Nội với đặc trưng là các phố “Hàng”.
Như đã nêu, Luật Giao thông đường bộ thì chỉ xác định vỉa hè dành cho người đi bộ. Do đó, theo tôi, cần tạo điều kiện ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để chính quyền Hà Nội có thể quản lý hài hòa 2 chức năng của vỉa hè/hè đường như đã nêu để tạo điều kiện thuận lợi và hài hòa lợi ích của người dân (gồm người đi bộ, người có đời sống kinh tế gắn với hè đường). Đồng thời, Hà Nội có thêm nguồn thu để đầu tư cho các công trình, tiện ích khác cho người dân, như đầu tư vào giao thông công cộng...
Còn với vấn đề quy hoạch, quy hoạch đặt ra việc phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị trung tâm nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đối với vấn đề phát triển đô thị vệ tinh, Thủ đô đặt ra mục tiêu phát triển 5 đô thị vệ tinh từ năm 2010 theo Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội; gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn (định hướng là các đô thị từ loại III đến I), 3 đô thị sinh thái (định hướng là các đô thị từ IV đến III), 11 thị trấn thuộc các huyện (định hướng là các đô thị loại V).
Theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của TP Hà Nội”, chúng ta có thêm các chuỗi đô thị sông Hồng và sông Đuống.
Để thực hiện được mục tiêu của các định hướng phát triển đô thị này, đòi hỏi Hà Nội phải có các chính sách, biện pháp để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông đô thị (như đường sắt đô thị), thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn vào phát triển giao thông kết hợp phát triển đô thị…
Có như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư phát triển đô thị vệ tinh (gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) kết hợp với giao thông thuận tiện để thu hút người dân đến sống ở các đô thị ngoài trung tâm (ví dụ như Khu đô thị Ecopark là điển hình của việc hút người dân sống ở khu vực ngoài đô thị trung tâm).
Một trong những vấn đề cũng được nhiều người dân quan tâm đó là việc cải tạo chung cư cũ gặp không ít khó khăn, thách thức từ thực tế lẫn quy định pháp luật. Liệu Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể giải quyết được vấn đề này không, thưa ông?
- Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, Điều 16 Luật Thủ đô 2012 cũng đã đặt ra vấn đề này. Nhiều khó khăn vướng mắc khi Hà Nội thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã tháo gỡ một phần vướng mắc.
Hà Nội cũng đã có Kế hoạch số 333/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuy nhiên, Hà Nội có tới 1.579 chung cư cũ có nhiều đặc điểm khác nhau. Hơn nữa, công tác cải tạo chung cư cũ cần phải gắn với yêu cầu về an toàn nơi ở cho người dân, công tác quy hoạch, sự đồng thuận của người dân và việc tham gia của DN, cho nên công tác này đang là vấn đề rất khó khăn.
Ngoài ra, Hà Nội còn có nhà ở cũ với nhiều hộ dân (không phải các chung cư cũ) đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng sống, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bộ mặt kiến trúc cảnh quan xuống cấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Do đó, Chính quyền Thủ đô được chủ động xử lý những vấn đề của công tác cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ có nhiều hộ dân… bằng các văn bản của TP khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!