Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 428 đi qua huyện Ứng Hòa: Lỗi hẹn do chậm trễ giải phóng mặt bằng

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập và sự tắc trách của doanh nghiệp trong quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 428 kéo dài gần 14km đi qua huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Theo hợp đồng ký kết, đến cuối năm 2021 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên đến nay nhiều đoạn còn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Thiếu quyết liệt
Thực tế dự án nâng cấp, mở rộng gần 14km Tỉnh lộ 428 đi qua 5 xã, thị trấn, huyện Ứng Hòa được chia làm 2 gói thầu. Gói thầu số 1 với 6,5km có tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Nội thi công; gói thầu số 2 kéo dài hơn 7km có tổng mức đầu tư 178 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam cùng Công ty CP Xây dựng Gia Huy thi công từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 theo hợp đồng ký kết sẽ phải hoàn thành đưa vào sử dụng.
 Những chiếc cột điện và nhà các hộ dân ven đường xã Minh Đức chưa thể GPMB là nguyên nhân dẫn đến chậm hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 428 đi qua huyện Ứng Hòa
Tuy nhiên đến nay, gói thầu số 1 của dự án đã hoàn thành hơn 4km với các hạng mục xây kè, mở rộng nền đường, thảm nhựa, xây hệ thống thoát nước, lắp đèn chiếu sáng. Còn khoàng 2km với nhiều đoạn đi qua khu dân cư 4 thôn của xã Phương Tú vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến dự án bị dang dở. Chính đây là nguyên nhân của việc nhà thầu thi công chưa thể khớp nối các hạng mục, trong đó có hệ thống tiêu thoát nước nên mỗi khi có mưa những đoạn đường ở đây trở thành nơi chứa nước.
Ở gói thầu số 2 hiện nay cũng mới chỉ hoàn thành công tác GPMB đối với diện tích đất nông nghiệp và đất công. Còn đối với diện tích đất thổ cư của hàng trăm hộ dân ở xã Minh Đức, xã Trung Tú và Đồng Tân đang gặp nhiều khó khăn trong GPMB dẫn đến việc các hạng mục bị dở dang. Cùng với đó, tại đây còn có hàng trăm chiếc cột và mạng lưới dây điện cũng chưa thể di chuyển được do chưa được Trung tâm phát triển quỹ đất và công ty điện lực huyện thống nhất, hoàn thành công tác đấu thầu dự án để di chuyển sang vị trí mới theo thiết kế.
 Việc nhà thầu thi công vội vã xây cống thoát nước ở bên đường thuộc khu dân cư thôn Vọng Tân, xã Đồng Tân đã gây ngập úng cho khu vực ngã ba chợ Cháy mỗi khi có mưa
Những ngày giữa tháng 10/2021, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã về hiện trường khảo sát thực tế toàn tuyến đường, nhận thấy người dân và phương tiện tham gia giao thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Người dân của 5 xã, thị trấn sinh sống dọc hai bên đường kéo dài gần 14km còn rất bức xúc trước cảnh dở dang của dự án. Nhiều người cho rằng sự chậm trễ trong khâu GPMB của Trung tâm quỹ đất huyện là nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ, chậm giải ngân được nguồn vốn.
Chị Phạm thị Hương, thôn Động Phí, xã Phương Tú bộc bạch, gần 2 năm thi công dự án đến nay, người dân sinh sống ở hai bên đường luôn phải đóng kín cửa nhà để che chắn, tuy nhiên đâu đâu cũng thấy bụi. Mặc dù hàng ngày doanh nghiệp sử dụng xe tưới rửa đường nhưng mỗi khi có gió những lớp bụi lại mịt mù cuốn bay vào nhà các hộ dân. Còn những hôm trời mưa nhiều đoạn do chưa khớp nối hệ thống tiêu thoát nước khiến đường trở thành sông chứa nước, đi lại rất khó khăn.
 Những chiếc cột điện nằm giữa đường 428 chưa được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa di chuyển sang vị trí mới gây khó khăn cho việc thi công và đi lại
Anh Chu Xuân Ứng, thôn Vọng Tân, xã Đồng Tân chia sẻ, khi nghe tin UBND huyện triển khai mở rộng Tỉnh lộ 428 từ 7m thành 14m, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, quá trình thi công các hạng mục không khớp nối nhau nên đã gây ra cảnh tại khu vực ngã ba chợ Cháy một bên đã được xây cống thoát nước mới cao khoảng 60cm so với mặt đường cũ, còn một bên lại chưa hoàn thành GPMB 39 hộ dân thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú nên đã gây ra cảnh ngập úng cho toàn bộ khu vực mỗi khi có mưa…
Người dân gánh hậu quả
Theo tìm hiểu của phóng viên, do thời gian vừa qua Trung tâm phát triển quỹ đất huyện cùng cơ quan liên quan và UBND 5 xã, thị trấn không chỉ chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ, lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB. Cùng với đó việc chậm triển khai gói thầu di chuyển, lắp đặt mạng lưới cột và dây điện mới cũng như chậm tham mưu cho UBND huyện việc tìm vị trí khu đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất ở là nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
 Quá trình nhà thầu thi công các hạng mục đi qua xã Trung Tú thiếu biện pháp đảm bảo an toàn giao thông là nguyên nhân dễ xảy ra các vụ tai nạn trên đường
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND xã Phương Tú Lê Xuân Toán cho biết, tuyến đường đi qua địa bàn xã đã thi công được 3/5km, hiện vẫn còn một số đoạn với 2km nằm rải rác ở 4 thôn do có khoảng 100 hộ dân chưa đồng thuận với mức giá bồi thường, hỗ trợ và vị trí tái định cư nên nhà thầu chưa có mặt bằng để thể thi công khớp nối các hạng mục được. Tuy nhiên, sau gần 2 năm phối hợp với các đơn vị hoàn thành lập hồ sơ, xác định nguồn gốc đất đai, tài sản của tổng số 326 thửa đất để làm thủ tục chi trả, bồi thường. Như vậy UBND xã đã làm hết trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Tú Vương Đăng Tân, việc thi công các hạng mục của dự án là do chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thống nhất thực hiện, trong đó có việc vội vàng xây cống thoát nước mới cao hơn cốt đường cũ khoảng 60cm theo hồ sơ thiết kế nhưng do chưa giải phóng xong toàn bộ mặt bằng khu vực để nâng cốt, mở rộng lòng đường cùng một thời điểm nên đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu thi công và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện...
 Một trong những đoạn đường tỉnh lộ 428 đi qua khu vực giáp ranh xã Trung Tú và Đồng Tân đang bị dở dang gây khó khăn cho việc đi lại
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Thao khẳng định, những ngày gần đây, nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục nhưng vẫn còn vướng gần 4km gói thầu số 2 đi qua xã Minh Đức chưa hoàn thành GPMB đất ở của hơn 200 hộ dân và 170 cột điện nằm giữa đường nên phải thi công cầm chừng. Cùng với đó, tại một số đoạn đường thuộc khu dân cư xã Phương Tú, Trung Tú, Đồng Tân và thị trấn Vân Đình doanh nghiệp cũng đang phải thi công các hạng mục theo kiểu “xôi đỗ”, chưa khớp nối các hạng mục vì thiếu mặt bằng sạch.
Lý giải về nội dung này, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa Nguyễn Xuân Đại cho biết, đến nay đơn vị đã tập trung GPMB cơ bản diện tích đất công, đất nông nghiệp của các hộ dân ở hai bên đường. Mặt khác, đơn vị cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương lập hồ sơ, tuyên truyền, vận động được hàng trăm hộ dân đồng thuận bàn giao đất, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không để xảy ra sai sót trong GPMB phần đất đã giao cho chủ đầu tư thi công dự án.
 Một trong những đoạn đường đi qua khu dân cư xã Phương Tú chưa thể GPMB khiến doanh nghiệp thi công tỉnh lộ 428 phải thực hiện cầm chừng
Tuy nhiên ông Đại lý giải, thời điểm bắt đầu thi công dự án từ đầu năm 2020 đến nay do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các bước kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất đai, thống nhất giữa các cơ quan để lập hồ sơ chi trả, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị gián đoạn. Mặt khác, thời gian gần đây do học sinh phải học trực tuyến nên các đơn vị liên quan không thể ngừng cấp điện di chuyển cột và dây để lắp đặt cột và dây điện sang vị trí mới khiến doanh nghiệp chưa có mặt bằng hoàn thiện các hạng mục công trình.
Ông Đại cũng thừa nhận, do đây là lần đầu đơn vị thực hiện cùng một lúc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn nên kinh nghiệm trong công tác GPMB còn hạn chế. Cùng với đó cán bộ chuyên môn của đơn vị lại ít nên khó mà tránh khỏi việc chậm hoàn thành GPMB. Để sớm bàn giao nốt mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công, thời gian gần đây Trung tâm phát triển quỹ đất gấp rút tham mưu cho UBND huyện kế hoạch, văn bản xin TP chấp thuận điều chỉnh mức giá hỗ trợ, bồi thường và vị trí tái định cư. Khi nào TP có văn bản chấp thuận, UBND huyện sẽ tiếp tục triển khai GPMB để doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần