Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục: Hoàn thiện trục chính Đông - Tây Hà Nội

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường Vành đai 1 Nguyễn Khoái - Cầu Giấy đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1999, song do thiếu vốn nên phải chia ra làm từng đoạn.

Đoạn tuyến Hoàng Cầu -Voi Phục hiện là đoạn cuối cùng được triển khai nhằm khép kín Vành đai 1, khai thông trục chính đô thị từ Đông sang Tây Hà Nội.
Nút thắt cuối cùng

Dự án đường Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi) là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu mở rộng không gian lưu thông, đặc biệt là qua vùng lõi đô thị đang trở nên vô cùng bức thiết, nhiệm vụ khép kín Vành đai 1 đã được các cấp chính quyền TP đặt lên hàng đầu. Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đã được UBND TP giao làm Chủ đầu tư dự án.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn cuối Voi Phục, quận Ba Đình.  Ảnh: Thanh Hải

Trong những năm qua, TP đã đầu tư xây dựng Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái - Hoàng Cầu; đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến. Đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục có điểm đầu tại nút giao Hoàng Cầu - Yên Lãng (Đống Đa); điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục, khu vực cổng trường Đại học GTVT (Ba Đình). Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, dự án chỉ dài khoảng 2,2km, nhưng là tuyến đường phố chính đô thị, nằm trên trục hướng Đông - Tây, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực trung tâm TP.

Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, muốn phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cho Vành đai 1 thì trước hết phải hoàn thiện, kết nối, đồng bộ toàn tuyến. “Khi khép kín Vành đai 1, không gian lưu thông qua khu vực nội thành theo hướng Đông - Tây và ngược lại sẽ được thông suốt, hạn chế tối đa UTGT. Nhìn xa hơn, Vành đai 1 hoàn thiện còn góp phần giải quyết được 2 vấn đề quan trọng trong phát triển đô thị Hà Nội. Đó là tăng cường khả năng lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo nên môi trường cảnh quan hiện đại, đẹp đẽ” - ông Thành cho hay.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Sỹ Bảo cho hay, dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được xếp vào nhóm A, nên được tiến hành theo một trình tự thủ tục rất chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật. Trước tiên, dự án được các Sở: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, QH&KT, GTVT, Công Thương, Xây dựng; UBND quận: Đống Đa, Ba Đình tiến hành thẩm định và trình UBND TP phê duyệt vào tháng 12/2013. Năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án. Tiếp đó, dự án lại được các Bộ: GTVT, KH& ĐT, Xây dựng, TN&MT, Tài chính thẩm định.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các Bộ, hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến Chủ trương đầu tư dự án, ngày 17/10/2017, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình số 142/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét. Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2113/QĐ - TTg. Dự án cũng đã được đưa vào danh mục các công trình trọng điểm do Thành ủy, HĐND, UBND TP thông qua. “TP xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực để chỉ đạo thực hiện, hoàn thành dự án trong giai đoạn 2016 - 2020” - ông Bảo thông tin thêm.

Được biết, bản đồ quy hoạch dự án đã được chủ đầu tư niêm yết trong khu vực từ tháng 7/2017 để Nhân dân biết và đóng góp ý kiến. Hiện nay, toàn bộ mốc chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được cắm và bàn giao cho địa phương quản lý. Tổng số các hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công Dự án là khoảng 2.328 hộ. Quỹ nhà tái định cư cũng đã được bố trí tại các dự án: Nhà 30T1 - 30T2 A14 Khu đô thị Nam Trung Yên; Nhà ở tái định cư phường Trung Hòa (Cầu Giấy)...
Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài khoảng 2,274km; mặt cắt ngang 50m, gồm 6 làn đường; 2 cầu vượt tại các nút giao: Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành; hệ thống cây xanh, chiếu sáng, bãi đỗ xe trên 6.000m2 đồng bộ đi kèm. Hai cầu vượt sẽ được xây dựng trước để đảm bảo lưu thông qua nút trong quá trình thi công dự án.