Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Đại Lộ Thăng Long kéo dài có nguy cơ chậm tiến độ

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 7 tháng khởi công, Dự án xây dựng cao tốc Đại lộ Thăng Long kéo dài, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên. Nguy cơ dự án sẽ chậm trễ kéo dài, do vướng mắc giải phóng mặt bằng đang hiện hữu.

 7 tháng chờ đợi

Vào tháng 10/2023, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

Sau 7 tháng khởi công, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đại lộ Thăng Long kéo dài bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên.
Sau 7 tháng khởi công, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đại lộ Thăng Long kéo dài bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên.

Đây là một trong những dự án trọng điểm vô cùng quan trọng đối với Hà Nội, nhằm từng bước hoàn chỉnh hướng kết nối Hà Nội - Hòa Bình; đồng thời là mảnh ghép quan trọng của tuyến cao tốc Hà Nội - Mộc Châu - Sơn La theo quy hoạch đường cao tốc Quốc gia.

Dự án còn có vai trò mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa đô thị trung tâm với khu vực phía Tây TP, tăng cường hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực huyện: Thạch Thất, Ba Vì…, là động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây.

Chính bởi tầm quan trọng đó, nên Hà Nội đã ưu tiên đầu tư, khởi công dự án với chiều dài 6,7km này từ quý IV/2023. Dự án có điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với đường Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại vị trí giao với đường Làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Tuy nhiên đến nay, 7 tháng sau lễ khởi công, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đại lộ Thăng Long kéo dài mới bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do thiếu mặt bằng.

Phó Giám đốc Ban QLDA Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội Đỗ Việt Hưng cho biết, tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được triển khai với tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 105,8ha, tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng.

Ông Đỗ Việt Hưng cho biết thêm, về phía chủ đầu tư, từ khi khởi công dự án, đơn vị đã khẩn trương hoàn thiện tất cả các thủ tục để triển khai thi công.

Theo kế hoạch, tháng 4 này địa phương sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đơn vị mới nhận được khoảng 7/105ha, chiếm chưa đến 7% diện tích mặt bằng thi công.

Nguy cơ dự án sẽ chậm trễ kéo dài, do vướng mắc GPMB, đang hiện hữu ngay trước mắt.
Nguy cơ dự án sẽ chậm trễ kéo dài, do vướng mắc GPMB, đang hiện hữu ngay trước mắt.

Ngày 30/3 vừa qua, đơn vị mới có thể bắt đầu đợt thi công đầu tiên đối với hạng mục cầu vượt sau khi nhận được huyện Thạch Thất bàn giao mặt bằng. “Hiện công tác GPMB của huyện phê duyệt đã chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch” - ông Đỗ Việt Hưng nói.

Chưa rõ trách nhiệm

Vị lãnh đạo QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội cho hay, thời gian qua, đơn vị cũng phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng như UBND huyện Thạch Thất để đẩy nhanh tiến độ GPMB nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất cho biết, dự án đi qua địa bàn 3 xã là Tiến Xuân, Yên Bình và Thạch Hòa. Đối với xã Yên Bình, hiện nay đã kiểm đếm được 96.555m2; đang vướng 35.432m2 xã không phân loại đất được.

Đây là đất do Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cấp từ những năm 1990 trở về trước cho cán bộ. Đến nay, các hộ được giao đã bán, cho tặng. Nhiều hộ dân không cung cấp được giấy tờ giao đất, Cục Hậu cần cũng không lưu trữ, nên khó khăn trong việc xác nhận hồ sơ để GPMB.

Sau khi nhận mặt bằng, hạng mục cầu vượt mới có thể bắt đầu thi công.
Sau khi nhận mặt bằng, hạng mục cầu vượt mới có thể bắt đầu thi công.

Trên địa bàn xã Yên Bình còn lại 173.768m2 đất quân đội đang quản lý cũng chưa được kiểm đếm. Đối với xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đã kiểm đếm được 202.046m2 (trong đó có đất Binh chủng pháo Binh là 46.600m2).

Nhiều trường hợp bản đồ cấp giấy chứng nhận đất quân sự, hồ sơ quản lý của xã không khớp về tờ thửa, vị trí, hình thể, tên chủ sử dụng đất; việc cho tặng, đổi ruộng cho nhau nhưng không đăng ký biến động với UBND xã dẫn đến việc sai chủ sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác xác nhận hồ sơ của xã để làm cơ sở GPMB. Xã Thạch Hòa còn tới 374.823,6m2 đất cần thu hồi nhưng mới đang tiến hành kiểm đếm.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất cho rằng: “Dự án đang gặp những khó khăn chung khi chủ đầu tư không có kế hoạch chuẩn bị đất tái định cư, mà chỉ chú trọng việc lập hồ sơ của dự án, dẫn đến việc khi GPMB không có đất giao tái định cư cho 473 hộ dân”.

Đến nay, TP mới giao cho huyện chuẩn bị quỹ đất tái định cư. Tuy nhiên, trên địa bàn 3 xã: Thạch Hòa, Yên Bình, Tiến Xuân đều không có vị trí phù hợp để xây dựng nhà tái định cư. Có thể mất ít nhất 2 năm nữa mới giao được đất tái định cư cho các hộ dân. Như vậy nguy cơ phải nhiều năm nữa dự án Đại lộ Thăng Long kéo dài mới được hoàn thành.

Được biết công tác GPMB phục vụ thi công Dự án Đại lộ Thăng Long kéo dài vẫn do chủ đầu tư - Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội thực hiện. Chủ đầu tư lại ký hợp đồng thuê Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất triển khai trong thực tế.

Chính vì vậy nên phía địa phương cho rằng trách nhiệm chính là của chủ đầu tư, còn Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội lại cho rằng địa phương chậm bàn giao mặt bằng.

Có thể thấy công tác GPMB đang là thách thức đối với dự án trọng điểm này, rất cần được Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm sát sao, làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị, đôn đốc để hạn chế nguy cơ chậm trễ tiến độ kéo dài.