Tiền lương thực tế trên toàn cầu tăng
ILO đã công bố báo cáo mới nhất mang tên "Tiền lương toàn cầu 2024 – 2025: bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu?". Báo cáo cho thấy, trong thời gian gần đây, tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát. Năm 2023, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 1,8%, dự báo mức tăng sẽ đạt 2,7% năm 2024 – đây là mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua.
Những kết quả tích cực này đánh dấu sự phục hồi đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu âm -0,9% vào năm 2022, giai đoạn mà tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa.
Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng tiền lương diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Các nền kinh tế mới nổi có mức tăng cao hơn các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi các nền kinh tế G20 tiên tiến ghi nhận mức giảm tiền lương thực tế trong hai năm liên tiếp (-2,8% năm 2022 và -0,5% năm 2023), tình hình tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn tích cực trong cả hai năm ở các nền kinh tế G20 mới nổi (1,8% năm 2022 và 6,0% năm 2023).
Các mô hình tăng trưởng tiền lương theo khu vực có sự khác biệt đáng kể. Báo cáo ghi nhận người lao động làm công hưởng lương ở châu Á và Thái Bình Dương, Trung Á, Tây Á và Đông Âu có mức lương thực tế tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo cho biết, mức tăng trưởng tiền lương thực tế tích cực trở lại là một bước tiến đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người lao động và gia đình đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng tăng chi phí sinh hoạt, làm xói mòn mức sống của họ. Bên cạnh đó, sự chênh lệch tiền lương giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia vẫn còn tồn tại ở mức cao không thể chấp nhận được.
Tình trạng bất bình đẳng tiền lương vẫn ở mức cao
Mặc dù có những tiến triển về tiền lương thời gian gần đây nhưng tình trạng bất bình đẳng về tiền lương tồn tại ở mức cao vẫn là một vấn đề cấp bách. Trên toàn cầu, mức lương của 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị tiền lương toàn cầu, trong khi mức lương của 10% người lao động được trả lương cao chiếm gần 38% tổng tiền lương này.
Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương ghi nhận cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động làm công hưởng lương được xếp vào nhóm được trả lương thấp. Tuy nhiên, hiện một phần ba số lao động trên toàn cầu không phải là lao động làm công hưởng lương. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đa số người lao động là lao động tự làm, chỉ có thể tìm cơ hội kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức.
Bà Giulia De Lazzari là chuyên gia kinh tế của ILO và là một trong những tác giả chính của báo cáo "Tiền lương toàn cầu 2024 – 2025: bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu?" cho rằng: “Các chiến lược quốc gia nhằm giảm bất bình đẳng đòi hỏi phải tăng cường chính sách và thể chế tiền lương. Nhưng quan trọng không kém là cần thiết kế các chính sách thúc đẩy năng suất, việc làm thỏa đáng và chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức”.
Để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, báo cáo kết luận rằng cần có chính sách tiền lương chặt chẽ và hỗ trợ một cách có hệ thống hướng tới tăng trưởng công bằng. Nếu giải quyết được những thách thức này, các quốc gia có thể đạt được tiến bộ thực sự, hướng tới thu hẹp khoảng cách tiền lương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng, bền vững cho người lao động trên thế giới.
Do đó, ILO đưa ra một số khuyến nghị để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương như: thiết lập tiền lương thông qua đối thoại xã hội. Mức lương nên được thiết lập và điều chỉnh thông qua thương lượng tập thể hoặc hệ thống lương tối thiểu được thống nhất giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.
Cùng với đó, áp dụng cách tiếp cận dựa trên thông tin và bằng chứng. Việc thiết lập tiền lương nên tính đến nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế.
Chính sách tiền lương cần hỗ trợ bình đẳng giới, công bằng và không phân biệt đối xử. Song song với đó, chính sách quốc gia phải phản ánh tình hình cụ thể của từng quốc gia và giải quyết nguyên nhân của vấn đề lương thấp như việc làm phi chính thức, năng suất thấp và việc đánh giá thấp giá trị công việc trong một số lĩnh vực như nền kinh tế chăm sóc.