Du khách thích thú trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm vải chàm tại Hà Nội
Kinhtedothi – Ngày 18/5, hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản”, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng.
Tại hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản”, người tham dự không chỉ được tận tay vẽ sáp ong, nhuộm vải chàm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân người Mông đến từ Mù Cang Chải (Yên Bái), mà còn được lắng nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về nghề truyền thống, về người phụ nữ vùng cao đang ngày ngày gìn giữ bản sắc trong dòng chảy hiện đại.

Du khách trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải.
Chương trình còn mang tới trải nghiệm đặc biệt khi tham quan triển lãm “Sáp ong – Sắc chàm” và khám phá không gian trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – nơi di sản không chỉ được trưng bày, mà còn được chạm, được kể, được sống.
Được biết, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023 của Bộ VHTT&DL.
Bằng bàn tay khéo léo cộng với trí tưởng tượng phong phú, những người phụ nữ dân tộc Mông đã sử dụng sáp ong để tạo ra những hình ảnh hoa văn độc đáo nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của các sản phẩm truyền thống như túi xách, ví, khăn, trang phục quần áo...

Giới thiệu về nghệ thuật vẽ sáp ong, nhuộm vải chàm của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Người Mông sử dụng sáp ong nóng chảy vẽ trên mặt vải nhằm che phủ những vị trí mong muốn của vải. Sau khi vẽ tấm vải sẽ được đem đi nhuộm và được luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn. Xong công đoạn vẽ sáp ong, người dân sẽ xử lý chàm và nhuộm chàm.
Chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2025 là “Tương lai của bảo tàng trong các cộng đồng thay đổi nhanh chóng” cho thấy vai trò của các bảo tàng trên toàn cầu tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thích ứng, kết nối và định hình tương lai cộng đồng giữa bối cảnh xã hội, công nghệ, môi trường biến đổi không ngừng, mang tới những cơ hội phát triển cho tương lai.

Đông đảo du khách thích thú tham gia trải nghiệm tại sự kiện.
Do đó, sự kiện “Giữ màu di sản” là minh chứng rõ ràng cho vai trò của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, mà là không gian văn hóa sống, nơi cộng đồng là trung tâm và nơi những giá trị truyền thống tiếp tục được lan tỏa bằng chính những trải nghiệm tương tác chân thực, gần gũi.

Tình cảm sâu nặng của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ
Kinhtedothi - Từ ngày 5 - 31/5/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Chương trình tháng 5 với chủ đề "Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam"
Kinhtedothi - Chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2025); 71 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động tháng 5 với chủ đề "Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam".

Nhiều bảo tàng miễn phí vé tham quan nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5
Kinhtedothi – Nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, trong ngày hôm nay, nhiều bảo tàng đã có chính sách miễn phí vé tham quan cùng nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách.