Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dù là Trumponomics hay MAGAnomics, ông Trump đã khiến Mỹ không còn là đầu tầu kinh tế

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc ngân sách của ông Trump cho biết, mục tiêu của chương trình kinh tế MAGAnomics - đặt tên theo khẩu hiệu “Make America Great Again” là duy trì mức tăng trưởng 3%.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, xu hướng phục hồi đang đổi chiều, khi kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc ít hơn vào hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Anh. Thay vào đó, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực đồng Euro và Canada đang là động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu.
 
IMF đánh giá kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2,1% trong năm nay và giữ nguyên tốc độ vào năm 2018. Mức tăng trưởng này đã bị hạ thấp so với dự báo được đưa ra hồi tháng 4, rằng kinh tế Mỹ đạt tốc độ 2,3% vào năm 2017 và 2,5% vào năm 2018. Tuần trước, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng khi các nhà đầu tư không đánh giá cao khả năng đưa ra các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Việc hạ mức dự báo tăng trưởng so với trước đó của IMF có nguyên nhân là do dự báo chính sách tài khóa của Tổng thống Trump sẽ không mở rộng so với dự đoán ban đầu. Điều này cho thấy, chính sách bảo hộ thương mại với mục tiêu Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America great again) - yếu tố đem lại chiến thắng cho ông Trump trong cuộc tranh cử đã bộc lộ những điểm yếu.
Nhiều chuyên gia nghi ngại về hiệu quả bền vững cho sự thịnh vượng đối với kinh tế Mỹ từ chính sách kinh tế của ông Trump. Cụ thể, ông Trump chủ trương đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất như ngành khai khoáng. Trong khi thực tế, các ngành sản xuất chỉ cần đến 8,5% nhân công Mỹ và chỉ đóng góp 12% GDP. Bên cạnh đó, trong khi xét đến tính cạnh tranh của công nhân Mỹ, Tổng thống Mỹ lại không tính đến khả năng công nghệ - chứ không phải công nhân nhập cư - mới là yếu tố đang dần thay thế nhân công Mỹ trong nhiều lĩnh vực.
Một lý do khác cho thấy vẫn cần thận trọng với dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới là các cải cách thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lại phụ thuộc phần lớn vào quyết định của Quốc hội khi bất kỳ một quyết sách nào cũng cần sự thông qua của cả phe Dân chủ ở đồi Capitol. 
Trong khi đó, IMF nâng dự báo kinh tế tăng trưởng ở Trung Quốc là 6,7% trong năm 2017 - tăng 0,1 điểm % so với triển vọng kinh tế được công bố hồi tháng 4. Nhật Bản, khu vực đồng Euro và Canada cũng được nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay. Đặc biệt, Canada được dự báo sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong khối G7, với mức tăng dự báo là 2,5%.