Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch Khánh Hòa đang có sự chuyển mình mạnh mẽ khi những tháng cuối năm 2021 địa phương này đã có lượng khách nội địa tăng mạnh và đã mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine tạo đà tăng trường cho năm 2022.

Kỳ vọng khởi sắc năm 2022

Ngày 4/1, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19 các chỉ tiêu du lịch năm 2021 đều giảm sâu so với năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, Khánh Hòa đón hơn 600.000 lượt khách lưu trú, giảm 51,9% so với năm 2020; doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 52,78%.

Khách Nga có hộ chiếu vaccine tham quan Tháp Bà Ponagar. (Ảnh: Trung Vũ).
Khách Nga có hộ chiếu vaccine tham quan Tháp Bà Ponagar. (Ảnh: Trung Vũ).

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ đầu tháng 10, du lịch Khánh Hòa chủ động thích ứng với tình hình mới, kịp thời chuyển hướng khai thác du lịch nội địa và tập trung thu hút khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine. Trong tháng 11 và 12, du lịch Khánh Hòa đã đón các đoàn khách quốc tế có hộ chiếu vaccine từ Mỹ, Nga… Nhờ đó, hoạt động của ngành du lịch đã giảm thiểu được thiệt hại.

“Trong tháng 12, Khánh Hòa đã đón khoảng 60.000 lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 5.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 297,5 tỷ đồng… 3 ngày lễ Tết Dương lịch vừa qua Khánh Hòa đã đón 37.500 lượt khách đến tham quan và lưu trú. Con số này rất thấp so với trước đại dịch nhưng so với cách đây mấy tháng là sự tăng trưởng rất lớn và tạo đà cho năm 2022” - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa chia sẻ. 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết thêm, với một số kết quả đạt được trong năm 2021 và tình hình phòng chống dịch đang tích cực, nhất là việc triển khai tiêm mũi 3 cho người dân; cùng với đó là việc Chính phủ cho phép chủ trương mở lại đường bay thương mại thông lệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Theo đó, năm 2022, Khánh Hòa đặt mục tiêu doanh thu du lịch đạt 4.000 tỷ đồng; đón hơn 1,2 triệu lượt khách, trong đó có 1,16 triệu lượt khách nội địa và 40.000 lượt khách quốc tế. 

“Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, để kích cầu và phát triển du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng và quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa gắn với hoạt động xúc tiến, thu hút tăng trưởng thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm”; Đề án “Phát triển sản phẩm Du lịch Khánh Hòa”; Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Mô hình phát triển du lịch bền vững với sự tham gia của cộng đồng tại Khánh Hòa”... Đồng thời, tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê chuyến (charter) và thương mại đến Khánh Hòa cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình kích cầu du lịch nội địa” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho hay.

Doanh nghiệp hiến kế phục hồi du lịch

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết kết quả kinh doanh du lịch cuối năm là những tín hiệu vui, là động lực để du lịch Khánh Hòa tiếp tục nỗ lực, hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Đặc biệt, việc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam phối hợp với các đối tác đưa khách Nga quay trở lại Khánh Hòa sau gần 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19 cho thấy du lịch Khánh Hòa vẫn còn sức hút với du khách quốc tế.

Khách quốc tế có hộ chiếu vaccine được xem là đòn bẩy để khôi phục ngành du lịch. (Ảnh: Trung Vũ).
Khách quốc tế có hộ chiếu vaccine được xem là đòn bẩy để khôi phục ngành du lịch. (Ảnh: Trung Vũ).

"Tuy nhiên, để du lịch phục hồi, các doanh nghiệp vẫn cần được tiếp sức; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn" - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa chia sẻ.

Còn theo ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú đơn vị sở hữu khu du lịch Đảo Khỉ và Suối Hoa Lan tại Khánh Hòa cho rằng, do dịch bệnh bùng phát liên tục nên gần 2 năm qua doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh động thái đối phó để thích ứng qua từng đợt. Doanh nghiệp phải thay đổi mạnh cơ cấu tổ chức như tinh gọn, giảm nhân sự và phân công kiêm nhiệm công việc; thu hẹp, loại bỏ các hoạt động hiệu quả không cao, các dịch vụ không còn phù hợp với xu hướng…

“Ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp vay trả lương, giảm, giãn nộp thuế, hỗ trợ khó khăn cho người lao động… Tôi cho rằng, để các doanh nghiệp tại Khánh Hòa sớm phục hồi, bứt phá nhanh sau dịch COVID-19, Khánh Hòa cần thiết nghiên cứu thành lập một Ban phát triển Kinh tế nhằm tiên lượng sớm các rủi ro hậu dịch bệnh, “phân loại sức khỏe” cho từng doanh nghiệp, định hướng phát triển cho từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa” - ông Lê Dũng Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ cho rằng, bên cạnh các vấn đề về chính sách hỗ trợ, pháp lý, tái cấu trúc doanh nghiệp thì việc làm mới sản phẩm, dịch vụ và quảng bá, tiếp thị cũng cần được đầu tư đúng mức.

“Sau Covid-19 nhu cầu du lịch và cách tiếp cận của du khách có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu kỹ lưỡng, quan tâm đến động thái của khách hàng để xây dựng sản phẩm thiết thực, mang tính giải trí cao và an toàn. Song song đó, đẩy mạnh liên minh, liên kết hợp tác cùng tạo ra sản phẩm khép kín, giá cả cạnh tranh, truyền thông sâu rộng, ứng dụng công nghệ đa nền tảng, hướng đến du lịch bền vững và có trách nhiệm. Thông qua đó, sẽ giúp kích cầu du lịch, du khách dễ dàng tiếp cận sản phẩm, chọn lựa và lên kế hoạch phù hợp cho nhiều đối tượng, với mọi kỳ nghỉ” - ông Nhựt nhận định.