“Rũ bùn đen” để cán đích vùng xanh
Hạ Long với người dân bản địa bây giờ đúng là thiên đường. Biển sạch, bãi cát sạch, đến cái lá ven đường cũng sạch. Xưa đến Quảng Ninh chỉ thấy con đường tỉnh lộ lỗ chỗ ổ gà phủ bụi mịt mùng. Mỗi năm, Quảng Ninh khai thác đến trên 40 triệu tấn than, bên cạnh đó là trên 1,4 triệu m3 vật liệu xây dựng, trên 6,5 triệu tấn đá vôi xi măng.
Ô nhiễm đã đành, khoáng sản lại cũng không phải là nguồn tài nguyên vô tận nên từ năm 2021 vùng di sản đã quyết liệt chuyển hướng phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Quảng Ninh thần tốc bắt tay vào chuyển đổi phương thức phát triển giảm dần khai khoáng, hướng mũi nhọn sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cùng với đó đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Trải tấm thảm hạ tầng để lót đường du lịch
Sau gần 10 năm chuyển đổi lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã có một diện mạo hoàn toàn mới, trở thành điểm đến của trải nghiệm suốt bốn mùa. Năm 2015 được khi bãi tắm dài 2 km được Sun Group cải tạo và đầu tư ở trung tâm Bãi Cháy, tạo nên một bãi biển đúng nghĩa cho người dân Hạ Long và du khách.
Tiếp sau đó, các dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sang trọng liên tục được đầu tư như tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long, khu nghỉ dưỡng 5 sao Premier Village Ha Long, khu tắm khoáng nóng chuẩn phong cách Nhật Yoko Onsen Quang Hanh, sân golf đẳng cấp…
Liên tục trong nhiều năm, Quảng Ninh trở thành tâm điểm của du lịch miền Bắc. Năm 2019, Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt; doanh thu từ khách du lịch đạt gần 29.487 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, "đất mỏ" đã đón 5 triệu lượt khách, tăng 107% so với kịch bản tăng trưởng.
Giải mã cho tốc độ tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh, theo các chuyện gia, không chỉ là nhờ sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, mà bí kíp quan trọng chính là hệ thống hạ tầng đồng bộ hiện đại ở cả đường bộ, đường thuỷ và hàng không.
TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) nhận định: “Đường lối phát triển kinh tế xanh của Quảng Ninh đang được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều thành công qua hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và ngành du lịch được đầu tư bài bản.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một loạt các công trình lớn xuất hiện, chủ yếu do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư đã làm thay đổi diện mạo Quảng Ninh như Cảng hàng không Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, và mới nhất là Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa động lực, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh, quốc gia và khu vực; tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo thống kê, năm 2019, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã đón 258.000 lượt khách. Và sau khi mở cửa hậu Covid, 8 tháng đầu năm nay, sân bay cũng đón 109.387 lượt khách, trong đó có hơn 2.500 khách quốc tế. Trong khi đó, qua Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, hơn 32.000 lượt khách quốc tế từ đầu năm 2022 đến nay đã cập bến Hạ Long, nhiều nhất là dòng khách hạng sang đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…
Mới đây nhất, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mà tỉnh chung tay cùng Sun Group kiến tạo đã hoàn thiện cú hat-trick cho hệ thống hạ tầng không – thuỷ - bộ tại Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có chiều dài km cao tốc lớn nhất cả nước và mang lại hiệu ứng đặc biệt cho du lịch vùng địa đầu tổ quốc. Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, Móng Cái đón lượng khách kỷ lục hơn 150.000 lượt chiếm hơn 60% trong tổng số 250.000 lượt du khách đến Quảng Ninh.
“Có thể khẳng định, với những gì đã làm được, Quảng Ninh xứng đáng là một hình mẫu phát triển kinh tế du lịch nhờ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng” – TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Bài học thành công từ “3 chữ P”
Theo số liệu thống kê, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra thì Quảng Ninh huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư. Trong gần 10 năm qua, Quảng Ninh đã huy động được gần 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Sự thành công của hình thức đối tác công tư PPP tại Quảng Ninh thể hiện rất rõ, thông qua các đại dự án hạ tầng có sự chung tay của tập đoàn Sun Group như Sân bay quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, hay mới đây nhất là cao tốc Vân đồn – Móng Cái.
Với cao tốc mới này, tuyến Tiên Yên – Móng Cái dài gần 64km được lựa chọn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Tập đoàn Sun Group thực hiện có tổng mức đầu tư lên đến 8.623,094 tỷ đồng, và ngân sách tỉnh Quảng Ninh chỉ tham gia xây dựng công trình phụ trợ là 490,251 tỷ đồng. Việc hợp tác công tư đã giải quyết bài toán khó về vốn cho tỉnh, đồng thời giúp Quảng Ninh sớm tăng tốc trên chặng đường cán đích kinh tế xanh.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa: “Với sự tham gia vào các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn từ bên ngoài như Sun Group, Vingroup, Geleximco… Quảng Ninh đã trở thành nơi hội tụ nguồn lực phát triển, trở thành hình mẫu trong việc khai thác và phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân. Chính các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh như Sun Group, với những dự án táo bạo, đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch và hạ tầng Quảng Ninh một cách mạnh mẽ”.