Du lịch tàu biển Việt Nam: Cơ hội nhiều thách thức lắm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành du lịch đã đón nhiều du thuyền quốc tế, chở hàng vạn du khách tới Việt Nam. Điều này cho thấy, du lịch tàu biển đã có những tín hiệu khởi sắc sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khách du lịch tàu biển tăng đột biến

Chỉ trong tuần đầu tháng 3/2023, hàng ngàn du khách quốc tế đã đến các cảng biển Việt Nam trên những tàu hạng sang. Đại diện Saigontourist cho biết, từ ngày 1 - 8/3, đơn vị liên tục đón 4 tàu biển quốc tế mang theo hơn 4.200 du khách đến Việt Nam du lịch.

Trước đó, trong tháng 2/2023, tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas đã đưa 3.500 khách quốc tịch Anh, Mỹ, Australia… đến Việt Nam du lịch trong 2 ngày.

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong quý I/2023, ngành du lịch đã đón 33,7 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển, tăng 936,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Saigontourist đón khách du lịch tàu biển quốc tế đến Việt Nam du lịch. Ảnh: Hoài Nam
Saigontourist đón khách du lịch tàu biển quốc tế đến Việt Nam du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Tổng Giám đốc Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, thời gian tới doanh nghiệp sẽ liên tục đón tiếp và phục vụ nhiều chuyến tàu biển quốc tế đến Việt Nam theo các hải trình: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh.

“Saigontourist kỳ vọng quý II/2023 sẽ đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của mảng du lịch tàu biển, góp phần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch quốc tế của đơn vị theo đường hàng không, đường biển, đường sông và đường bộ” - ông Nguyễn Hữu Y Yên dự báo.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch TS Nguyễn Anh Tuấn, kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng, khai thác triệt để.

Khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh bằng tàu biển hạng sang. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh bằng tàu biển hạng sang. Ảnh: Hoài Nam

Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển, bởi vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực. Ngoài ra Việt Nam còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời.

Những khu du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.

“Du lịch biển trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ.

Nhiều thách thức

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này, tuy nhiên hiện hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng...

Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, trong khi đây là dòng khách hàng có chi trả cao nên thường yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm.

Khách quốc tế đến thăm quan Việt Nam bằng tàu biển thông qua tour du lịch của Saigontourist. Ảnh: Hoài Nam
Khách quốc tế đến thăm quan Việt Nam bằng tàu biển thông qua tour du lịch của Saigontourist. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ, hiện hầu hết hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nên chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, hiện hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến việc tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến. Bên cạnh đó các dịch vụ như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí... cũng chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.

Không chỉ có vậy nhiều doanh nghiệp đón khách du lịch tàu biển phàn nàn, hiện việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn hành chính không cần thiết. Ngoài ra ở một số cảng, du khách phải đi bộ rất xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan. Bất cập này đã ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách.

Khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng bằng tàu biển. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng bằng tàu biển. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore Lim Jiun Yan cho biết, để đưa khách đến du lịch, các hãng tàu biển phải chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm, nên rất cần nước chủ nhà công bố điểm cập bến, phí cảng… ổn định, lâu dài, tránh việc giờ chót thay đổi, gây khó cho cả hãng tàu và du khách.

Để phát triển loại hình du lịch này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, chính quyền các địa phương nên mở rộng khái niệm sản phẩm du lịch biển bao quát hơn hướng đến phát triển bền vững. Cụ thể, phát triển mạnh mẽ các cảng thuỷ nội địa, quốc tế, tổ chức nhiều điểm nghỉ biển với cơ sở hạ tầng tốt qua đó thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển nhiều lần thay vì một đi không trở lại. Hơn nữa, Việt Nam cần hình thành tuyến du lịch ven biển từ đó tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch từng địa phương.

Đồng tình với kiến nghị này, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng các cơ quan hữu quan cũng cần có chính sách visa thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam. Cụ thể, cải tiến thủ tục nhập xuất cảnh đối với khách du lịch tàu biển theo hướng cấp visa tập thể đối với toàn bộ du khách, qua đó giảm thiểu thủ tục và tránh gây phiền hà cho khách.

Để phát triển du lịch tàu biển các địa phương cần đánh giá những điểm đến mới, có tiềm năng phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, điểm tham quan… phục vụ du khách. Đặc biệt Nhà nước cần chú trọng công tác phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường. Đồng thời khuyến khích địa phương tăng cường liên kết vùng, qua đó góp phần đa dạng tour du lịch biển, đảo mới, phù hợp với thị hiếu của khách…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần