Du lịch và di sản cần bắt tay nhau

Hoàng Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã có nhiều tour di sản hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch không đồng đều, phần lớn tập trung ở nội thành và một số điểm đến ngoại thành như Sơn Tây, Đường Lâm, Bát Tràng.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến để bàn các giải pháp phát triển, kết nối các tour di sản Thủ đô.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến

Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng được nhiều tour di sản hấp dẫn du khách. Ông đánh giá thế nào về tính kết nối tour di sản Thủ đô?

- Di sản văn hóa là một thế mạnh của Hà Nội. Những năm qua, ngành du lịch, và văn hóa của Thủ đô đã phối hợp để xây dựng các chương trình khai thác giá trị di sản phục vụ khách du lịch. Trung tâm hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khởi động sản phẩm du lịch mang chủ đề “Truyền thống hiếu học”; hành trình trải nghiệm của tour đêm kéo dài 90 phút tại Hoàng thành Thăng Long giúp du khách có thể hình dung một phần lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, xuyên suốt các triều đại: Đại La, Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn.

Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật cũng là “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Trong đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tuồng tại khu vực phố cổ Hà Nội vào dịp cuối tuần đã tổ chức các chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khách du lịch” tại Rạp Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm); Nhà hát Chèo Việt Nam, đã triển khai đề án đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật chèo vào các tour.

Mới đây, tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội ra mắt đã tạo được hiệu ứng tốt cho khách du lịch. Hành trình này bắt đầu khởi hành từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tiến về Khu di tích Cổ Loa.

Cùng với đó, Hà Nội là “đất trăm nghề”, với khoảng 800 làng nghề đang hoạt động, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, mỗi sản phẩm làng nghề mang trong mình những câu chuyện riêng, có môi trường văn hóa riêng… đã và đang tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Như vậy có thể thấy, so với thực tế, tiềm năng khai thác các tour du lịch còn nhiều dư địa chưa được khai thác hết.

Thưa ông, khai thác tiềm năng di sản để phát triển, kết nối tour cần có những giải pháp nào?

- Thực tế hiện nay, Hà Nội đã có nhiều tour di sản hấp dẫn du khách không chỉ trong các quận nội thành mà còn mở rộng ra các huyện ngoại thành như: tour làng cổ Đường Lâm, Bát Tràng, Thành cổ Sơn Tây… nhưng đều đã quen thuộc.

Do đó, ngành văn hóa và du lịch cần phối hợp để tạo ra những tour mới ở vùng ngoại thành nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Cùng với đó, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực. Những cá nhân trực tiếp quản lý, phụ trách các điểm đến du lịch di sản phải có kiến thức, bên cạnh việc am hiểu về di sản cần phải thuyết minh, giới thiệu được về di sản văn hóa với du khách. Đồng thời, chính quyền địa phương cần lưu ý đến việc nâng cao dân trí, phổ biến, ban hành quy tắc ứng xử đối với di sản, khách du lịch.

Cùng với những giải pháp trên, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa. Điểm đến di sản văn hóa bên cạnh việc giới thiệu về di sản vật thể, cần xây dựng các chương trình quảng bá di sản phi vật thể, trình diễn văn hoá dân gian địa phương, giá trị ẩm thực, nghề truyền thống. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Như ông vừa chia sẻ, ngành du lịch và văn hóa cần định vị và thống nhất lại trong việc kết nối, phát triển các tour di sản. Vậy phải chăng, sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa còn lỏng lẻo?

- Ngành văn hóa đang phụ trách di sản, ngành du lịch đang xây dựng các chương trình du lịch. Theo tôi, ngành du lịch cần chủ động phối hợp xây dựng các chương trình phục vụ du khách. Để làm được điều đó, ngành du lịch cần tiến hành khảo sát để xác định được các ưu điểm, hạn chế của điểm đến. Từ đó đưa ra các kiến nghị với địa phương, TP các phương án để phát huy ưu điểm, điều chỉnh những hạn chế về một số vấn đề công tác đón tiếp, giao thông, nguồn nhân lực (thuyết minh, bảo đảm an ninh trật tự…).

Trên cơ sở những kiến nghị của ngành du lịch, ngành văn hóa cần tích cực vào cuộc, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của điểm đến; phối hợp để xây dựng các tour vừa hấp dẫn du khách, vừa hài hòa các yếu tố về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần