Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư luận cần sự minh bạch về BOT giao thông

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước phản ứng của dư luận, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng dư luận đã “hiểu lầm” và mọi chuyện vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý. Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, bản Dự thảo thông tư này đã “biến mất” khỏi website Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.

Trạm thu phí Cao Bồ.
Lấy Luật Giá làm bình phong

Thông tin về việc đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” xuất hiện trong bản Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Bộ GTVT cho biết sẽ lấy ý kiến góp ý cho bản dự thảo này trong thời gian 2 tháng (từ 6/5 - 6/7/2019). Dẫu rằng, hiện nay, bản dự thảo đã được rút xuống khỏi Cổng thông tin của Bộ GTVT, có lẽ là thời gian để bộ phận soạn thảo có điều kiện nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, từ sự việc này khiến dư luận đặt ra nghi vấn cứ cố tìm cách đổi tên “trạm thu phí” để làm gì?
Người dân quan tâm nhiều đến sự minh bạch về tài chính tại các trạm thu phí BOT chứ thật ra họ không để tâm nhiều đến cụm từ “thu phí”, “thu giá” hay “thu tiền”.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức

Thực tế, trong cả hai lần đòi “thay tên đổi họ” cho trạm thu phí, Bộ GTVT đều vấp phản phản ứng quyết liệt. Lần nào cũng vậy, Bộ GTVT đều lấy Luật Giá làm bình phong, khi lý giải rằng, việc đổi tên từ “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” là phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá. Và lần xin ý kiến cho dự thảo này, đích thân Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã lên tiếng giải thích rằng, Bộ GTVT không hề đề xuất đổi tên các trạm thu phí thành "trạm thu tiền" mà chỉ đưa ra khái niệm cũng như giải thích nội hàm của các trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo đúng quy định của Luật Giá.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho biết, việc Bộ GTVT đưa ra lý giải căn cứ vào Luật Phí và Lệ phí hay Luật Giá là có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nằm ở chỗ, cơ quan soạn thảo văn bản của Bộ GTVT đã quá máy móc, cứng nhắc và rập khuôn về mặt câu chữ khiến dư luận nảy sinh hoài nghi, không tin tưởng. Trong suốt một thời gian dài, Bộ GTVT vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết cho những bất cập xảy ra tại các dự án BOT giao thông khiến cho dư luận mệt mỏi, chán nản và cạn kiệt niềm tin. Chính những tồn tại này khiến người dân thêm thắc mắc rằng, liệu việc đổi tên này có mục đích gì? Có lợi ích nhóm gì hay không...?

Đánh tráo khái niệm

Ông Bùi Danh Liên – chuyên gia giao thông cho rằng, dường như Bộ GTVT đang cố tình lờ đi những vấn đề nóng liên quan đến các dự án BOT giao thông. “Thay vì nghĩ tên gọi cho trạm thu phí thì tại sao Bộ GTVT không tập trung giải quyết những vấn đề gây bức xúc cho Nhân dân, cho DN?” – ông Bùi Danh Liên thẳng thắn.

Theo ông Liên, những điều người dân quan tâm nhất hiện nay vẫn là trạm BOT đã đặt đúng vị trí chưa? Thu đúng giá tiền hay chưa? Thời gian thu phí hoàn vốn là bao lâu? Việc thu phí có minh bạch hay không?... "Đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa thể hoặc chưa dám đưa ra lời giải đáp. Còn những việc vô nghĩa như tìm tên gọi cho các trạm thu phí thì cơ quan này lại dành quá nhiều tâm sức và thời gian thì thật là khó hiểu? Từ năm 2012 đến nay, xếp hạng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GTVT từ vị trí thứ 2 xuống thẳng vị trí thứ 14. Với xếp hạng như vậy, mà ngành giao thông vẫn còn bận đi tìm tên gọi cho BOT, quả thật là mất thời gian" – ông Liên nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhận định, thu giá là một “sáng tạo” của Bộ GTVT để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và Lệ phí. Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo luật. Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng ra, Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên, thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm.