Ngày 28/2, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, gọi đây là “hành động ngoại giao dũng cảm”.
Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, ông Guterres đã hoan nghênh những nỗ lực được thực hiện trong các cuộc thảo luận giữa hai bên, dù kết quả có diễn ra như thế nào. Tổng thư ký Guterres cho rằng “hành động ngoại giao dũng cảm” của hai bên đã tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình bền vững cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và có thể xác minh.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. |
Theo người phát ngôn Dujarric - Tổng thư ký Guterres bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục đối thoại. Theo ông Dujarric, không một ai nghĩ rằng tiến trình đối thoại với Triều Tiên có thể diễn ra một cách dễ dàng, kể cả Tổng thư ký Guterres.
Tại Nga, dư luận nước này đánh giá tích cực hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, cho rằng cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra trong bầu không khí thân thiện.
Những ngày qua, dư luận Nga hết sức quan tâm đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Ngay sau khi hội nghị kết thúc, ông Andrei Klimov - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế - Đoàn chủ tịch Hội đồng toàn thể Đảng “Nước Nga Thống nhất” cho rằng, chính cơ hội đối thoại trực tiếp của Mỹ và Triều Tiên là một ích lợi chung.
Theo bài viết trên tờ “Tin tức Nhevski”, Chủ tịch Phong trào Sáng kiến công dân của Nga - nhà phân tích chính trị Vladimir Soloveichik, khẳng định, bản thân cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã là tích cực. Ông cho rằng, không gian để tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết vấn đề vẫn còn, không chỉ là một Hội nghị Thượng đỉnh.
Còn theo ký kiến của ông Anton Morozov - đại biểu Duma Quốc gia Nga (Hạ Viện Nga), được đăng trên trang của hãng tin Ria Novosti, thì chính cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nói lên rằng, “băng đã tan” và Mỹ có thể trao cho Triều Tiên những đảm bảo nhất định.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản cũng phát biểu ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, ngày 28/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo ủng hộ quyết định của ông Trump về việc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để thúc giục Triều Tiên có các bước đi cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong ngày 28/2, Tổng thống Trump đã nhận được nhiều ủng hộ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi ông trở về nước sau Hội nghị thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội,
Trả lời phóng viên báo chí, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hoan nghênh khi Tổng thống Donald Trump không vội vã ký thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bà Pelosi nhấn mạnh Mỹ nhắm tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và sẽ cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên khi hai bên thống nhất được về mục tiêu này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hill.TV, nghị sỹ Steve Chabot cho rằng việc Tổng thống Trump không đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên có thể làm một số người ngạc nhiên, song điều này không có nghĩa sẽ không có bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai.
Cùng quan điểm với nghị sĩ Chabot, Thượng nghị sĩ Angus King cũng khẳng định Tổng thống Trump đã đưa ra một quyết định đúng tại Hội nghị lần này để tránh một thỏa thuận có thể không có lợi cho Mỹ.
Hai Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa là Roy Blunt và Kevin Cramer cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Trump khi cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng cần có những bước tiến lớn trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, tại Australia, phát biểu trên đài ABC tối 28/2, người phát ngôn về các vấn đề quốc tế của Công đảng đối lập Australia Penny Wong tỏ ra lạc quan về Hội nghi thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên vừa kết thúc chiều 28/2. Bà Wong đánh giá cao việc hai bên có thể ngồi lại để thảo luận và việc không đạt được thỏa thuận sau cùng là để tránh một thỏa thuận tồi.
Tờ South China Morning Post ghi nhận rằng, các tín hiệu ban đầu cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un diễn ra hoàn toàn thoải mái và vui vẻ. Theo tờ báo, hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tìm kiếm nỗ lực phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên cùng với nhiều hứa hẹn cho tín hiệu tích cực trong thời gian tới.
Tờ SCMP viết: "Hai nhà lãnh đạo đã cười, bắt tay và vui mừng cho cuộc gặp này tại khách sạn Metropole Hà Nội". Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng thượng đỉnh lần hai sẽ diễn ra công bằng, thành công hơn thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái và kỳ vọng cho tiềm năng kinh tế của Triều Tiên.
Thông qua phiên dịch, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng bày tỏ tự tin về các kết quả sẽ đạt được tại thượng đỉnh. "Nếu vẫn có bất kỳ sự hiểu nhầm nào quanh chúng ta thì thượng đỉnh lần này sẽ nỗ lực để vượt qua điều này", nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói.
Ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Hà Nội mà không đưa ra thỏa thuận nào. Hai bên cũng chưa có kế hoạch về một cuộc gặp tiếp theo.
Trong khi đó, cũng trong ngày 28/2, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội "rất tốt đẹp và mang tính xây dựng". Theo bà Sanders, dù không đạt thỏa thuận và không ra tuyên bố chung, song "hai bên đều mong muốn tiếp tục gặp nhau trong tương lai".
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 28/2, sau khi lên chuyên cơ Air Force One để về nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thông báo kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đạt được "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết".