Dự luật Brexit chưa qua được "ải" Thượng viện

Hà Phương (Theo Business Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tục mang tính quyết định trong vấn đề kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit đó là cuộc bỏ phiếu thông qua Dự luật mang tên Thông báo rời EU của Thượng viên (20 – 21/2) đã bị hoãn lại.

Sau khoảng 20 giờ tranh luận, gần 200 thượng nghị sĩ Anh đã quyết định không tiến hành cuộc bỏ phiếu thông qua Dự luật Brexit, mà sẽ tiếp tục phiên tranh luận vào ngày 27/2 tới đây. Dự kiến, các thượng nghị sĩ nhiều khả năng sẽ xem xét sửa đổi Dự luật, bao gồm việc đảm bảo quyền di chuyển của công dân EU tại Anh, đồng thời đảm bảo Quốc hội có một cuộc bỏ phiếu về các thỏa thuận cho tiến trình Brexit.
Theo đó, trong hai ngày thảo luận vừa qua, các đảng đã đệ trình nhiều khoản về sửa đổi dự luật trên. Giới phân tích nhận định, Thượng viện Anh là “rào cản” cuối cùng mà Thủ tướng Theresa May phải đối mặt, trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán với EU về Brexit. Khác với Hạ viên – nơi dự luật này được thông qua một cách dễ dàng, Thượng viên là nơi đảng bảo thủ của bà May không chiếm đa số. Mặc dù không phản đối Brexit, song đa sốc các nghị sĩ phe đối lập đang gây sức ép lên chính quyền của Thủ tướng May, bao gồm việc đảm bảo quyền lợi của công dân EU ở Anh và vai trò của Quốc hội trong việc giám sát tiến trình Brexit…
 Các Thượng nghị sĩ tranh luận về dự luật Brexit.
Trước đó, chính quyền Thủ tướng Theresa May đã khẳng định, họ muốn dự luật được thông qua trước ngày 7/3, mở đường cho Chính phủ Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon tại Hội nghị Thượng định EU vào ngày 9/3 tới. Tuy nhiên, khả năng cao hơn là dự luật sẽ được thông qua vào giữa tháng 3/2017.
Giới chuyên gia cho rằng, Thượng viện Anh có vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán Brexit. Trong trường hợp đầu tiên, nếu Thượng viên Anh đồng ý với dự thảo luật mà Hạ viện chuyển sang, dự thảo này sẽ được thông qua một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, rất có khả năng Thượng viện sẽ đề xuất sửa đổi dự thảo và trong trường hợp đó dự thảo sẽ được chuyển ngược lại cho Hạ viện. Bởi, chính quyền của Thủ tướng May không nắm vai trò kiểm soát với đa số ở Thượng viện. Và đây sẽ được xem là trò đánh “bóng bàn”, khi mà Hạ viện không đồng ý với đề xuất, họ sẽ chuyển ngược lại cho Thượng viện.
Trong trường hợp Thượng viện và Hạ viện Anh cứ tiếp tục chơi trò đánh “bóng bàn”, việc thông qua dự thảo sẽ bị trì hoãn. Như vậy, thì tất nhiên sẽ làm chậm thời hạn kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon của chính quyền Thủ tướng May. Tuy nhiên, có nhiều nhà quan sát cũng nhận định rằng, Thượng viện phải có trách nhiệm trong việc thực hiện ý chí của người dân. Như vậy, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện được dự báo sẽ khó khăn hơn, song về cơ bản sẽ không làm đảo lộn tiến trình Brexit, có nghĩa là chính phủ Anh sẽ vượt qua được cửa ải trong nội bộ đất nước để bắt đầu các thủ tục tiếp theo với EU. Thủ tục đầu tiên sẽ là việc Anh thông báo cho EU về việc rời khối được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam – Anh sẽ không bị ảnh hưởng. Bởi, mới đây nghị sĩ Liam Fox, Bộ Trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Anh đã có một bài viết nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội, với tổng GDP trên một đầu người tăng 350% kể từ năm 1991. Việt Nam rất quan tâm đến các ngành dịch vụ tài chính, giáo dục và đào tạo cũng như hạ tầng cơ sở đẳng cấp quốc tế của Anh. Do vậy thực sự có rất nhiều cơ hội cho Anh và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên.