Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: Đổi mới thế nào cho thực chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã ngay lập tức tạo ra...

Kinhtedothi - Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã ngay lập tức tạo ra những luồng dư luận trái chiều. Rất nhiều người cho rằng những quy định mới trong Điều lệ có nội dung không hợp lý, có nội dung… “chẳng để làm gì”, thậm chí có nội dung dễ làm nảy sinh những hiện tượng đáng phê phán nơi trường học. Đặc biệt, trung tâm “nỗi bức xúc” của từ nhà nghiên cứu tâm lý, hiệu trưởng trường học, cho đến phụ huynh đều nằm ở chức danh “Chủ tịch hội đồng tự quản”. Đây là một quy định cần phải xem xét lại.

 
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: Đổi mới thế nào cho thực chất - Ảnh 1
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Tăng khả năng tự chủ, tự quản cho học sinh

Bây giờ mô hình trường học mới (VNEN) không gọi là Lớp trưởng Lớp phó, mà có thể gọi là Chủ tịch hội đồng tự quản. Trong hội đồng đó có các ban về học tập, lao động, đối ngoại, lao động, vệ sinh… theo hướng nhà trường ngày càng dân chủ hơn. Dân chủ ngay từ khi còn nhỏ chính là yêu cầu của nền giáo dục. Việc này không phải là mới, bởi đã được triển khai ở mô hình VNEN cho thấy các em HS làm rất tốt. Chúng ta chủ động cho HS bình bầu để có được những bạn làm Chủ tịch hội đồng tự quản, Trưởng ban tự quản lớp học của mình về những công việc như hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, nhận xét các bạn trong một năm như thế nào.

Trước đây, tổ chức Đoàn, Đội, Lớp trưởng, Lớp phó cũng làm việc ấy nhưng không xuất phát từ chính HS. Bây giờ chúng ta phải từ chính HS, tránh tình trạng giáo viên làm thay HS, dẫn đến không dân chủ, làm hạn chế khả năng chủ động sáng tạo, khả năng sinh hoạt tập thể, khả năng quản lý lớp, quản lý nhóm và cùng nhau tham gia trong hoạt động tập thể. Trước đây, Lớp trưởng thay giáo viên đôn đốc các bạn học hành, theo dõi bạn nào đi học muộn, bạn nào không học thuộc bài. Bây giờ việc ấy do chính các em bảo ban, bình bầu, theo dõi giám sát lẫn nhau. Và khi có công việc sinh hoạt tập thể lớp thì chính các em đứng ra tổ chức và bàn bạc với nhau. Thậm chí, các em được đề xuất nguyện vọng thông qua hội đồng tự quản, báo cáo với giáo viên, với đoàn đội và phụ huynh HS. Một số nơi các em còn báo cáo với địa phương, tổ chức đoàn thể tiếp thu rất tốt và hướng dẫn các em thực hiện. Điều này nhằm mục đích tăng khả năng tự chủ, tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi, góp ý lẫn nhau trong các em, tăng kỹ năng sống cho các em.
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: Đổi mới thế nào cho thực chất - Ảnh 2
Ông Phạm Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellspring: Đổi mới nhưng không nên gây thêm khó khăn

Phát huy tính tự chủ, tự quản, rèn luyện khả năng tự tin trong giao tiếp là rất cần thiết đối với mỗi HS. Tuy nhiên, khi thực thi sẽ như thế nào? Bộ GD&ĐT có thể thử nghiệm việc này ở một số tỉnh, TP, không chỉ thử nghiệm ở các TP lớn mà ở cả các tỉnh khó khăn xem được và chưa được ở chỗ nào, sau đó mới đưa ra thực hiện.

Cái đổi mới hiện nay cũng là cách thay đổi theo nước ngoài, thế nên theo tôi, trước khi thực hiện càng nên làm thử một số trường, bởi có những cái của “Tây” đưa vào Việt Nam không thích hợp. Tạo ra “quan chức” ở HS, ý thức này không phải xấu, nếu không có sự can thiệp của phụ huynh. Các tên gọi Lớp trưởng, Tổ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch… chỉ là tên gọi khác nhau, quan trọng chức trách, quyền hạn của các nhiệm vụ này như thế nào?

Một số văn bản đưa ra thường chưa tính nhiều chiều, nhiều mặt. Thực tế ở ta, cán bộ lớp rất nhạt nhòa, chỉ mang tính danh dự, mọi việc do giáo viên chủ nhiệm làm hết. Tôi có cháu học ở Australia, trường cháu cũng thực hiện tính tự chủ. Trong lớp mỗi bạn phụ trách một mảng, một mục… có quyền phát biểu. Trong hội đồng, các học trò có số phiếu ngang Hiệu trưởng. Ở ta thực hiện khó, bởi bản thân giáo viên đã hiểu chưa đúng, trong lớp có Lớp trưởng, Tổ trưởng… nhưng HS chưa được phát huy.

Bên cạnh đó, sĩ số HS cũng là hạn chế khi thực hiện. Để thực hiện theo mô hình mới (VNEN) chỉ áp dụng ở lớp có sĩ số 35 HS/lớp trở xuống, trong khi một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những lớp 50 HS, thậm chí xấp xỉ 60 HS/lớp. Đây là những bất cập, chưa hợp lý để thực hiện. Ngoài ra, các kỳ thi vừa qua (lớp 10, thi THPT quốc gia) lại bỏ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi, đổi thành Trưởng điểm thi… Tóm lại, việc đặt ra tên gọi Chủ tịch hay Lớp trưởng không quan trọng, vấn đề là công việc của các “cán bộ” này như thế nào? Dù có đổi mới thế nào cũng phải thực chất, không gây thêm khó khăn cho giáo viên, HS. 

Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại quận Hà Đông: Thay đổi nhận thức
giáo viên

Tôi cho rằng, đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học nhằm xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở HS ngay từ lứa tuổi nhỏ. Các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học để tăng sự tự tin, trách nhiệm công việc. Tuy nhiên, sĩ số 35 HS/lớp dù chưa thật sự phù hợp với thực tế, nhưng điều này sẽ đòi hỏi ngành giáo dục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng được yêu cầu. Như ở nước ngoài, số lượng HS không quá 30 em/lớp, nhờ vậy chất lượng giáo dục tốt hơn.

Theo tôi, chức danh Chủ tịch, hay Lớp trưởng về bản chất cũng chẳng có gì khác, có khác chỉ là tên gọi. Mục đích chung không phải là chức danh, quan trọng làm thế nào để cho HS biết tự chủ, tự quản lớp theo sự hướng dẫn của giáo viên. Thay đổi tên gọi không giải quyết vấn đề gì, quan trọng đích đến là gì. Không cần thiết thay đổi, cái quan trọng là thay đổi phương pháp, nhận thức cho giáo viên, cho giáo viên tiếp cận mô hình tiên tiến, phù hợp với thực tế của chúng ta. Từ đó giáo viên có phương pháp đổi mới, hướng dẫn HS biết làm chủ, tự tin trên lớp cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: Đổi mới thế nào cho thực chất - Ảnh 3
 Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - phụ huynh trường Tiểu học Kim Liên: Không phù hợp lứa tuổi

Thực tế đã cho thấy, khi được phân công làm Lớp trưởng, nhiều trường hợp HS đã tự cho mình được quyền cai quản, sai, phạt các bạn, yêu cầu các bạn phải phục tùng theo ý mình. Tôi đã từng phải xin cô giáo không cho con làm Lớp trưởng, vì chính con gái tôi đã vui sướng kể cho bố, mẹ nghe về “thành tích” đã phạt, đôi khi dùng thước của cô giáo đánh bạn cùng lớp khi bạn đi học muộn, nói chuyện trong lớp… Bản thân các cháu không hiểu đúng chức năng của mình, không làm đúng những gì thuộc phạm vi cần làm, được làm. Nếu cứ duy trì thế, vô tình có phải đã biến một điều có tác dụng giáo dục trở thành phản tác dụng. Giờ nếu gắn cho trẻ thêm chức danh Chủ tịch, nghe to tát quá, liệu có phù hợp với lứa tuổi các cháu hay không, và liệu có đẩy các cháu đi quá xa với bổn phận của một cán bộ lớp?
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học: Đổi mới thế nào cho thực chất - Ảnh 4
Ông Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Quan trọng là cách làm

Theo Dự thảo Điều lệ, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh (HS). Lớp học có Lớp trưởng, Lớp phó hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng tự quản HS do tập thể HS bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học… Một dự thảo quy định có tính tiến bộ, đổi mới của Bộ GD&ĐT về giáo dục tiểu học, nhưng nhiều người lo ngại với độ tuổi của trẻ ở tiểu học thì áp dụng thuật ngữ “Chủ tịch” hay “Phó Chủ tịch” là điều quá to tát, làm thay đổi tính cách trẻ con. Đây là một ý cần phải bàn luận nhiều hơn. Thực tế, những lo ngại này là có cơ sở, HS lớp 1, lớp 2 mà chúng ta gắn vào vai từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch e là quá sức so với độ tuổi, suy nghĩ của các cháu. Cái từ “Chủ tịch” có thể khiến người ta hiểu ý nghĩa khác đi. Song tôi nghĩ quan trọng ở đây là cách làm. Nếu cách làm tốt, HS thực sự được rèn luyện kỹ năng thì không có gì đáng bàn. Nên luân phiên vị trí này theo kỳ hoặc năm học và phụ huynh không nên can thiệp vào để con được làm chức này, vị trí kia ở lớp.
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học do Bộ GD&ĐT công bố, có những quy định mới: Tăng quyền của HS, trong đó nhấn mạnh các em được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện. HS được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của HS. Khác với trước, trường tiểu học phải tổ chức kiểm tra, đánh giá HS trong quá trình học tập và rèn luyện, không tập trung vào kết quả đánh giá cuối kỳ, cuối năm… Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh, HS được tổ chức theo lớp học. Lớp học có Lớp trưởng, Lớp phó hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng tự quản HS do tập thể HS bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 HS…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần