Trong đơn kiến nghị khẩn cấp số 20/HATAS-CV ngày 13/8, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định không đồng tình với một số nội dung trong Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định “Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thay thế thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2018 của Bộ GTVT (gọi tắt là Tờ trình Chính phủ).
6 điểm "thất bại" của chương trình thí điểmTheo Hiệp hội Taxi Hà Nội, trong Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đã cố tình không đánh giá hết những tồn tại của chương trình thí điểm việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động vận tải được triển khai theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT. Lập luận cho quan điểm của mình, Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra 6 điểm "thất bại" của chương trình thí điểm này, gồm: Phá vỡ quy hoạch vận tải tại các địa phương được chọn thí điểm, gây ùn tắc giao thông; không quản lý được đơn vị thí điểm; tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, triệt tiêu taxi truyền thống; quản lý không chặt chẽ dẫn đến thất thu thuế; tạo ra nhiều bất ổn cho xã hội; độc quyền, phá giá vi phạm Luật Cạnh tranh.
|
Trong hai năm thí điểm, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Uber, Grab) gia tăng nhanh không kiểm soát được. Ảnh: Hải Linh |
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng nêu rõ, trong hai năm thí điểm, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Uber, Grab) đã gia tăng nhanh đến mức không kiểm soát được. Hệ quả là đã làm gia tăng nhanh chóng các vụ ùn tắc giao thông. Không những thế, việc Bộ GTVT nhìn nhận, đánh giá Grab là đơn vị “cung cấp phần mềm” đơn thuần đã tạo ra bất bình đẳng rất lớn về điều kiện kinh doanh giữa taxi công nghệ với taxi truyền thống, đồng thời, tạo kẽ hở cho Grab được hưởng mức thuế suất VAT bằng 0% trong khi taxi truyền thống phải chịu thuế suất 10%. Điều này đã khiến cho taxi truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. “Chương trình thí điểm đã tạo ra một loạt các “Hợp tác xã giấy” chỉ thành lập ra để xin phù hiệu xe hợp đồng không nộp thuế, làm méo mó mô hình hợp tác xã vận tải tại Việt Nam. Cũng do quản lý lỏng lẻo đã dẫn tới việc Uber bị truy thu hơn 53 tỷ đồng nhưng đến nay cơ quan Thuế vẫn chưa thu được” - Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh. Ngoài 6 điểm "thất bại” trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, trình thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT còn rất nhiều thất bại khác nhưng tại mục 1.4.c của Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT vẫn cố tình không đánh giá hết những tồn tại này. “Việc này thể hiện sự thiếu trung thực với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” -Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định trong đơn kiến nghị.
Cần xếp hai loại xe điện tử vào cùng loạiMột nội dung đáng quan tâm khác trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Tờ trình Chính phủ của Bộ GTVT đưa ra các điều kiện không công bằng về nhận diện đối với loại hình xe. Cụ thể là quy định về nhận diện đối với loại hình xe “hợp đồng điện tử” rất mơ hồ, trong khi quy định về nhận diện đối với xe “taxi điện tử” vốn là loại hình tương tự lại quá rõ ràng và khắt khe, như: Phải gắn hộp đèn “taxi điện tử”, phải cung cấp quá nhiều thông tin cho khách hàng.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, “hợp đồng điện tử” và “taxi điện tử” đều có cùng một hành vi thương mại với cùng một loại hình kinh doanh nên không thể tồn tại hai khái niệm khác nhau, như trong Tờ trình Chính phủ của Bộ GTVT. “Xe hợp đồng dưới 9 chỗ, sử dụng phần mềm để tính tiền như hiện nay cũng có lịch trình theo yêu cầu của khách, giá cước tính theo ki lô mét và thời gian chờ đợi. Vì vậy, đây chính là “taxi điện tử”. Các DN taxi đều đã có phần mềm điện tử để gọi xe. Phần mềm cũng báo trước lịch trình và giá cước, khách hàng cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn như loại hình xe “hợp đồng điện tử” - Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích.
Từ những lập luận trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị Thủ tướng và các thành viên trong Chính phủ xem xét, xếp hai loại hình xe “hợp đồng điện tử” và “taxi điện tử” vào cùng loại, để dễ quản lý và đảm bảo sự công bằng. Trong trường hợp không thể gộp chung hai loại hình này, theo đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội, nên quy định các điều kiện của xe “hợp đồng điện tử” giống như “taxi điện tử” như cùng phải gắn hộp đèn và cùng chịu các quy định về điều kiện kinh doanh (phương tiện, người lái, người điều hành, trung tâm điều hành, chế độ báo cáo) như nhau.