Giá dầu đi xuống trong phiên ngày thứ Ba sau khi đón nhận số liệu cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cao. Các thương nhân cũng gia tăng lo ngại về tiến độ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 tại châu Âu không đạt mục tiêu sau khi Đức và Pháp thông báo tạm ngừng việc tiêm chủng vaccine Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 69 xu Mỹ, tương đương 1%, về còn 68,19 USD/thùng sau khi mất 0,5% trong phiên ngày thứ Hai. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 69 xu Mỹ, khoảng 1,1%, xuống 64,70 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng giảm 0,3% trong phiên trước đó.
Đức, Pháp và Italia thông báo kế hoạch đình chỉ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, sau khi có những báo cáo khoa học về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng không có mối liên hệ nào với vaccine này.
Những động thái trên làm gia tăng lo ngại về tốc độ tiêm chủng ngừa vaccine chậm chạp tại châu Âu, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế tại nhiều nước trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Giá dầu đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm và hiện đã phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, đà leo dốc của giá dầu bị hạn chế trong những phiên giao dịch gần đây bởi việc triển khai tiêm chủng chậm ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt tại châu Âu.
Trong khi đó, dự trữ dầu mỏ của Mỹ cũng tăng cao do đợt bão tuyết trong tháng trước, khiến các hoạt động lọc dầu phải tạm ngừng và sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục sản xuất về bình thường.
Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (tính đến ngày 5/3) tăng 12,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ tăng gần 1 triệu thùng của các chuyên gia.
Ông Avtar Sandu - Trưởng bộ phận quản lý hàng hóa thuộc Phillip Futures ở Singapore, nhận xét: “Giá dầu chịu ảnh hưởng bởi kỳ vọng rằng đợt bão tuyết trong tháng trước ở Texas (Mỹ) có thể tiếp tục khiến dự trữ nhiên liệu gia tăng”.
Theo kế hoạch, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) sẽ báo cáo về lượng dầu thô dự trữ vào cuối ngày 16/3. Bộ Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức vào ngày 17/3, trong bối cảnh giới phân tích kỳ vọng dự trữ nhiên liệu tiếp tục tăng.
Dẫu vậy, các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ tiếp tục hỗ trợ giúp giá dầu đi lên trong dài hạn.
Hồi đầu tháng này, liên minh OPEC+ đã quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 4/2021.
Bên cạnh đó, nhà xuất dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Saudi đã cắt giảm nguồn cung dầu thô nhập tháng 4 đối với 4 khách hàng mua ở khu vực Bắc Á lên tới 15%, trong khi đáp ứng các yêu cầu bình thường hàng tháng cho các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ./.