Đưa bạn về... giành mẹ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chuyện chị đưa bạn mình về giới thiệu với anh trai. Thế là đứa bạn thân thành chị dâu. Nó không chỉ quyền hành hơn, cứ vô tư sai bảo chị, coi như không có chuyện bình đẳng như hồi học cùng lớp phổ thông mà còn giành lấy sự yêu thương của mẹ chị nữa…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị và bạn ở cùng huyện nhưng hai xã khác nhau. Khi lên trung bọc phổ thông thì mới học cùng lớp. Trường huyện xa nhà, hai đứa nghỉ và ăn trưa ngay trong lớp, học xong mấy tiết buổi chiều mới đạp xe về. Hai đứa nhanh chóng trở nên bạn thân vì cùng mê học tiếng Anh và nhan sắc thì cùng nhỉnh hơn trung bình một chút. Nói vậy thôi chứ bạn chị có dáng người cao ráo, lại cười có núm đồng tiền trông rất dễ thương. Tuy nhiên, nó lại là đứa hay mủi lòng. Hễ bị ai bắt nạt là nó cứ nước mắt chực trào ra, trông rất tội nghiệp và rất… dễ thương.

Hồi đi học, chị hay mang quà vặt đến cho bạn vì sợ nó… đói. Tội nghiệp, bạn chị nhà khó khăn. Thêm nữa, do nó bị mất mẹ sớm nên không phải lúc nào được chuẩn bị bữa trưa chu đáo. Ăn trưa xong, vài tiếng sau, chị thường mang quà vặt ra đãi bạn. Bù lại, bạn hay chỉ thêm cho chị về tiếng Anh. Rất lạ, bạn thiếu thốn tài liệu đủ thứ nhưng học tiếng Anh giỏi, phát âm rất chuẩn.

Cả hai đứa có khổ người hao hao nhau, nên chị thường đổi áo cho bạn. Cứ có đồ đẹp, chị nói: “Tao mặc vài bữa, rồi đến lượt mày nhé”.

Chị hay nói đùa: “Hay mày và tao là chị em kiếp trước nhỉ? Ước gì tao và mày là chị em thật”.

Ngẫu nhiên, lời ước của chị trở thành sự thực.

Anh trai chị học đại học ngân hàng ra, mấy năm rồi mà không có mảnh tình vắt vai. Vẻ ngoài thư sinh, trắng trẻo, anh cũng có một số cô gái thích nhưng không hiểu sao không bén duyên. Mỗi lần anh về nhà, mẹ chị đều giục: “Mày có làm sao không mà chưa thấy giới thiệu người yêu thế?”. Lúc đó, ông anh đều lặng lẽ gói đồ đi lên thành phố đi làm sớm. Mãi rồi mẹ chị không thèm giục anh nữa mà quay sang hỏi chị: “Thế mày không có bạn gái giới thiệu cho anh mày à? Mày nữa, lớn tướng rồi đấy!”.

Chị lúc này mới nhớ đến cô bạn nhút nhát của mình hiện là giáo viên tiếng Anh của một trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng. Chị bấm điện thoại gọi bạn: Cuối tuần này về nhà tao nhé! Anh trai tao sẽ về nhà dịp cuối tuần”. Nói vậy là đứa bạn hiểu, nó vốn thông minh.

Khi bạn chị về nhà, đến bữa cơm, chị nhìn vào bạn và nói với anh trai: “Bạn của em, nó hiền còn… hơn anh nữa. Thông minh chắc không thua anh đâu. Anh làm quen nó đi, được bật đèn xanh rồi đấy”.

Chị không ngờ bạn mình và ông anh trai quấn nhau nhanh đến thế. Sau này, ông anh mới tâm sự: “Nhìn cô bé dễ thương chứ không đáo để như mày. Nó cười làm anh mày xao xuyến”.

Còn cô bạn nói: “Ôi anh trai bạn sao hiền lành thế. Nói gì anh ấy cũng chỉ mỉm cười, rất dễ thương”.

Nhưng một lý do để cô bạn thương anh trai chị đó là vì… mẹ chị. Lần đầu cô bạn đến nhà chị chơi, lúc còn đi học phổ thông, hai “mẹ, con” (họ xưng hô với nhau như thế), cứ xoắn xuýt lấy nhau. Cô bạn rửa bát làm vỡ, mẹ chị lo lắng: “Tay chân con có sao không? Có bị đau không?”.

Sau này chị mới nghe mẹ chị nói: “Không hiểu sao, gặp nó là thương ngay. Có lẽ vì nó bị mất mẹ từ nhỏ nên trông tội nghiệp”.

Đám cưới không tưng bừng nhưng có khá đông đủ hai họ nội ngoại đến dự. Cô dâu và mẹ chồng trong đám cưới lúc nào cũng đi khoác tay nhau chào hỏi mọi người. Nhiều người không biết cứ tấm tắc: “Hai mẹ con trông giống nhau thế! Cả hai đẹp thế!”. Ấy là họ tưởng hai mẹ con ruột.

Bạn của chị thì nói: “Ôi mày ơi! Mày đưa bạn về nhà giành mất mẹ rồi!”. Mẹ chị nghe chuyện đùa, chỉ vào bạn chị, tức cô dâu: “Đây là con tôi!”, rồi chỉ vào chị: “Đây là con ruột… thừa”.

Chị nhìn thấy bà cười hạnh phúc, cảm giác má mình cũng đỏ bừng vì niềm vui dâng trào, vì bạn thân nay trở thành chị dâu của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần