Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đứa cháu trai của bà ngoại

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà của bà là ngôi nhà nhỏ ở vùng ngoại ô. Hồi xưa, đây là vùng quê trồng lúa, đất đai rộng mênh mông và gần như không có chuyện mua bán. Nhưng giờ đây, trung tâm thành phố đất chật người đông, người ta đến ngoại ô mua đất để sinh sống…

Mẹ của chị ngoài đất ruộng mấy sào, còn có ngôi nhà nhỏ cũ kỹ và mấy trăm mét đất ông cha để lại, nói đúng hơn là của gia đình chia cho chồng bà. Hồi đó, hễ là vùng đất quy hoạch đất ở, mọi người có thể tự làm nhà để ở chứ không có những quy hoạch ngặt nghèo như hiện nay.

Hồi đó, các con cũng còn nhỏ nên bà không để tâm lắm chuyện đất đai sau này sẽ sao. Từ ngày ông mất, bà mới để ý chuyện sau này chia cho mỗi đứa một ít ra sao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà có 5 đứa con, trong đó có một đứa con trai. Theo lẽ thường, con trai sẽ được kế thừa nhà đất của bố mẹ; còn con gái thì “thuyền theo lái, gái theo chồng”, không có phần ở nhà mẹ đẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, theo luật pháp của Nhà nước, con trai và con gái đều được quyền lợi thừa kế như nhau. Vậy là, nhưng đứa con gái do am hiểu luật pháp cũng đòi chia phần của mình.

Chúng nói rằng, mẹ phải thương đồng đều, đứa nào cũng như nhau. Chứ sao mẹ chỉ thương đứa con trai? Họ hàng cũng góp lời vào: Thời buổi bây giờ không thể xem nhẹ con gái hơn con trai được, bà xem con gái đứa nào khó khăn về đất ở thì chia cho chúng.

Con cái mỗi đứa một tính. Đứa thì vì đã có nhà cửa nên không màng chuyện chia đất, nhất là khi chia mỗi đứa chỉ được miếng nhỏ tẹo. Đứa quá khó khăn nên giục giã mẹ nó chia sơm sớm để cất cái nhà tạm ở; bởi ngôi nhà của bà đang ở được xem là đương nhiên của anh con trai. Đứa dù đã có mấy căn nhà nhưng vẫn ham, vì tấc đất, tấc vàng.

Chị vẫn biết mẹ mình khá đau đầu vì con cái mỗi đứa một tính, một hoàn cảnh. Bà nhiều đêm mất ngủ, tính trước tính sau cho vẹn toàn. Bà hàng ngày vẫn ra ruộng làm, rồi ra vườn chăm rau, hái đi bán. Về nhà còn chăm gà, lợn…

Công việc nhiều, tuổi đã cao, lại mất ngủ nên bà lăn ra ốm. Hôm bà đi bệnh viện, chị bỏ việc để lo thủ tục cho bà nhập viện, nhận giường cho bà. Xong xuôi chị mới cắt cử đứa con trai đầu đang dịp nghỉ hè. Nó đã lớn tướng nhưng chỉ mới học lớp 8 nên vẫn mê chơi, suốt ngày cầm điện thoại. Mỗi khi cần gì bà phải gọi nó. Được cái, nó biết những điều cơ bản như nhận cháo, mua nước cho bà…

Lúc buồn, bà không biết làm gì cũng trò chuyện với nó. Bà hỏi: Cháu có cần gì bà cho tiền mà mua? Thằng bé hồn nhiên trả lời: “Bà ơi, cháu chỉ cần bà nhanh khỏe ra viện thôi ạ. Cháu ở đây chán lắm. Mà bà đâu có nhiều tiền để cho cháu đâu. Bà làm ruộng thì chỉ đủ ăn thôi, mẹ cháu nói thế”.

Nó không phải là đứa nhiều chuyện nên bà hỏi gì thì nó trả lời chuyện đó. Bà hỏi chuyện nhà cháu chật chội vậy, cháu có thấy khó chịu không. Thằng cháu nói: “Bà ơi! Nhà cháu ở thoải mái lắm. Mẹ cháu nói, nhà mình tuy nhỏ nhưng còn hơn ối nhà chỉ được mười mấy mét vuông phòng trọ”.

Nó còn bất ngờ nói thêm rằng, bố mẹ nó còn dặn nó và em nó rằng, cuộc sống là phải tự lực, đừng bám vào của cải của bố mẹ. Bố mẹ trước đây cũng chẳng có gì đâu. Phải tự lực thì cuộc sống mới có ý nghĩa”.

Đứa cháu có vẻ biết nó hơi nhiều chuyện nên đã im lặng, cúi đầu vào màn hình điện thoại. Bà của nó thầm nghĩ, con cái đứa nào cũng như thằng bé này thì mình đỡ lo. Bà mệt nhất là những đứa con lâu lâu mới về thăm mẹ, hỏi han đôi chút rồi hỏi qua chuyện đất cát. Bà thường nói với chúng là bà thương đứa nào cũng như nhau, nhưng chuyện chia chác không đơn giản.
Ngày bà sắp ra viện thì chị lên thăm và làm thủ tục xuất viện đưa bà về.

Thằng nhỏ mừng quá, nó nói thế là bà đã khỏe lại rồi, nó có “toàn thời gian” để chơi. Nói vậy, nhưng nó vẫn xăng xái dìu bà bước ra taxi. Nó nói: “Bà ơi, về nhà bớt làm đi. Đừng lo nghĩ nhiều chuyện chia tài sản nhé. Con cái phải tự lực chứ!”.