Đưa Hà Nội trở thành vùng phát triển bưởi trọng điểm của cả nước

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, cây bưởi được ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung phát triển khá mạnh. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hà Nội được xác định sẽ là vùng canh tác bưởi trọng điểm của cả nước trong thời gian tới.

Hàng chục giống bưởi đặc sản

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), điều kiện sinh thái khác nhau đã tạo nên nhiều vùng bưởi với các giống bưởi đặc sản, có giá trị hàng hoá, chất lượng cao. Trong đó, có một số giống bưởi đã được xuất khẩu như: Năm Roi, Da Xanh.

Nhu cầu thị trường về bưởi trong những năm gần đây tiếp tục tăng cao. Dù vậy, giá trị kinh tế từ xuất khẩu bưởi ở Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng giá trị của thế giới (toàn thế giới ước nhập khẩu khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD trái bưởi mỗi năm).

Hà Nội là một trong 9 tỉnh, TP trọng điểm phát triển cây bưởi của cả nước. Ảnh: Trọng Tùng.
Hà Nội là một trong 9 tỉnh, TP trọng điểm phát triển cây bưởi của cả nước. Ảnh: Trọng Tùng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, khó khăn hiện nay là diện tích trồng bưởi bị phân tán, dẫn tới khó đồng đều về mẫu mã và chất lượng, nhất là xuất khẩu với quy mô lớn. Trong khi thị trường luôn biến động thì các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi hiện nay lại chưa thực sự chặt chẽ.

Tại Hà Nội, số liệu của Sở NN&PTNT cho thấy toàn TP hiện có khoảng 7.500ha canh tác bưởi; trong đó, có hơn 6.400ha đang cho sản phẩm. Diện tích bưởi liên tục tăng trong những năm gần đây. Tổng sản lượng thu hoạch tính trong năm gần nhất 2022 đạt hơn 105.000 tấn.

Đáng chú ý, Hà Nội hiện có khoảng 10 giống bưởi các loại. Bên cạnh giống bưởi Diễn đặc sản chiếm gần 81% diện tích, các giống bưởi khác cũng đang được nhân rộng trồng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể tới như: Bưởi đường La tinh, bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn…

Hà Nội sẽ là trọng điểm phát triển bưởi

Để phát triển những diện tích cây ăn quả nói chung, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ phát triển khoảng 110.000 - 120.000ha bưởi, với tổng sản lượng kỳ vọng từ 1,2 - 1,6 triệu tấn mỗi năm. 

 

9 tỉnh, TP sản xuất bưởi trọng điểm theo Quyết định số 4085/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm: Hoà Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang và Hà Nội.

Cả nước có 9 tỉnh, TP được đưa vào danh mục các địa phương sản xuất bưởi trọng điểm thuộc các vùng miền của cả nước. Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ NN&PTNT lựa chọn duy nhất Hà Nội là trọng điểm phát triển cây bưởi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, TP phía Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, sẽ cần bố trí cơ cấu giống bưởi chính vụ chiếm khoảng 70% diện tích, rải vụ thu hoạch 30% diện tích còn lại.

Ngoài các giống bưởi truyền thống, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị 9 tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) bình tuyển, phục tráng các giống bưởi bản địa, đặc sản địa phương có chất lượng, ít hạt, chống chịu sâu bệnh hại. Nghiên cứu, chọn tạo phát triển những giống bưởi mới, có chất lượng, phù hợp thị trường. Đồng thời, xây dựng những vườn giống đầu dòng sạch bệnh, nhân giống bưởi sạch bệnh phục vụ sản xuất.

Được biết, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và 8 tỉnh, TP sản xuất bưởi trọng điểm trong quản lý dịch bệnh trên cây bưởi; xây dựng mã số vùng trồng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chế biến, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm bưởi...