Từ đầu những năm 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút được DN nước ngoài đến đầu tư. Cụ thể, DN bán lẻ Thái Lan Central Group thông qua việc mua bán sáp nhập đã sở hữu 4 đại siêu thị gồm: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị; B’smart với 75 cửa hàng tiện lợi; Big C với 32 siêu thị đồng thời nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và Lanchi Mart… DN bán lẻ Nhật Bản đầu tư, khai thác 5 đại siêu thị gồm Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven… Hàn Quốc thì gắn liền với 13 hệ thống siêu thị Lotte, Emart..., mới đây nhất là SG25.
|
Hàng Việt bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: Lê Nam |
Sau khi các DN nước ngoài đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ, DN Việt đã tràn đầy hy vọng xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối này. Thế nhưng sau một thời gian đưa hàng vào siêu thị ngoại, số lượng DN và sản phẩm Việt tồn tại ở kênh phân phối này khá khiêm tốn. Nguyên nhân khiến hàng Việt khó vào kênh bán lẻ nước ngoài là do rào cản chiết khấu mà họ áp đặt và liên tục gia tăng chiết khấu qua từng năm, khiến DN khó lòng trụ nổi.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, hiện cứ 10 DN sản xuất Việt Nam thì chỉ có một DN có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại. Nguyên nhân do chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, chiết khấu bán hàng lên tới 30%. Khi siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, DN phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán 15 - 30% với thời gian 10 - 30 ngày và mỗi năm 1 - 3 lần... Điều này khiến hàng Việt lép vế, bị "đẩy" ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.
Thực tế tại siêu thị Mega Market đường Phạm Văn Đồng cho thấy, ngay tại cổng chính siêu thị này đã tổ chức một khu giới thiệu hàng hóa Thái Lan trong khi hàng Việt trưng bày ở những vị trí khuất hơn. Hay trên kệ hàng của siêu thị Lotte Liễu Giai, hàng Hàn Quốc tràn ngập, từ kem đánh răng, kim chi, hoa quả cho đến các loại mỹ phẩm...
Còn thiếu DN "đầu đàn"Trao đổi về vấn đề làm thế nào để hàng Việt không bị loại khỏi hệ thống bán lẻ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN Vũ Kim Hạnh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại nói chung là DN Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan phân tích: Cái khó nhất hiện nay khi đưa hàng Việt xuất khẩu ra thế giới, thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế, là thiếu đội ngũ DN Việt “đầu đàn” trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; vượt qua được những rào cản kỹ thuật trong việc tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế. Bên cạnh đó, DN Việt nên bỏ tư tưởng tiêu thụ hàng trong thời gian tham gia xúc tiến thương mại, mà nên đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong tương lai.
Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế, đòi hỏi DN đầu tư sản xuất, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cũng nêu rõ, các DN bán lẻ quốc tế thường yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nhưng lại đòi mua với giá thấp, không cam kết tiêu thụ lâu dài… Với kinh nghiệm đưa hơn 40 chủng loại được hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản) bà Mai Anh cũng chia sẻ, với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi DN phải có sự đầu tư và cam kết lâu dài để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối.