KTĐT - Lãi suất huy động USD đang lên rất nhanh và đột biến trong những ngày đầu năm 2011. Theo những con số đưa ra từ các ngân hàng (NH) cho thấy, đỉnh mới lãi suất huy động USD trên thị trường hiện nay đang thuộc về NH TMCP Phương Tây (Western Bank) với mức 6,35% /năm cho kỳ hạn từ 3 tháng đến 36 tháng.
Tiếp đến là NH TMCP Sài Gòn (SCB) đã tăng lãi suất tiết kiệm USD lên 6,3%/năm. NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) 6,2%, NH Kiên Long thì tăng lãi suất USD lên cao nhất 6%/năm, kỳ hạn 3 tháng. Tại một số NH TMCP khác, lãi suất huy động USD cao nhất nằm trong mức từ 5,1 - 5,6%/năm…
TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, phân tích, năm 2010, Việt Nam đã thu hút hơn 8 tỷ USD, nhưng tình trạng căng thẳng ngoại tệ trên thị trường dường như vẫn chưa dịu đi, nguồn kiều hối dù được chi trả qua kênh chính thống tại các NH, nhưng phần lớn lại không được bán hay gửi cho NH để đáp ứng cho nền kinh tế như xuất khẩu đầu tư. Do tỷ giá chính thức vẫn đang thấp hơn 2.000 đồng/USD so với tỉ giá tự do, khiến người nhận kiều hối không muốn bán lại cho NH mà chỉ chấp nhận gửi lại số ngoại tệ này chờ giá cao hơn. Việc tăng lãi suất huy động USD hiện nay có thể là động thái nhằm gia tăng tính hấp dẫn để thu hút nguồn kiều hối ở lại NH để mở rộng cho vay sau Tết.
Diễn biến của lãi suất huy động ngoại tệ cũng khiến không ít người liên tưởng đến khả năng các ngân hàng khó thu hút được vốn tiền đồng do bị khống chế ở mức trần 14%/năm, nên phải nâng lãi suất USD để thu hút vốn, sau đó bán lấy tiền đồng cho vay ra.
Sau khi lãi suất huy động USD lập đỉnh 6,35%/năm, lãi suất cho vay USD cũng lên mức 9,7% với các khoản vay trung dài hạn và cao nhất đạt 9,1%/năm với các khoản vay ngắn hạn. Cao gần gấp đôi so với mức trung bình năm 2010. Thế nhưng, vay ngoại tệ vẫn được nhiều DN lựa chọn. So với lãi suất tiền đồng, vay vốn bằng ngoại tệ lúc này có lợi về chi phí khi lãi suất cho vay thỏa thuận VND khách hàng cần vốn phải trả cho ngân hàng hiện dao động từ 18 - 20%/năm. Song, sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ khó có thể tránh được rủi ro, nếu tỷ giá có biến động.
Trong cuộc họp với các thành viên gần đây, Hiệp hội NH đã kêu gọi các NH cân nhắc lãi suất huy động USD hợp lý, vì lãi suất USD quá cao sẽ vô tình khuyến khích người dân giữ USD, đây là điều không có lợi cho tỉ giá. Mặt khác, mặt bằng lãi suất USD dâng cao, khả năng giảm lãi suất VND trong quý I năm nay sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia tài chính, trong khi lãi suất đầu vào của tiền đồng bị khống chế bởi mức trần 14%/năm thì lãi suất huy động USD hoàn toàn do các NH tự quyết. Do đó, cần có mức trần cho lãi suất ngoại tệ.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, sau Tết Nguyên đán, một lượng hàng dự trữ được bán trong dịp Tết được đẩy ra, tiền thu về, khả năng thanh khoản sẽ tốt lên và chỉ số giá giảm xuống thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để điều chỉnh lãi suất, giảm tiền gửi và vay xuống.