Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa quy định thực hiện “một cửa” sát thực hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Nội vụ Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị đóng góp vào dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 84 ngày 1/7/2009 của UBND TP quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT) trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước thuộc TP.

Đây là hoạt động nhằm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, MCLT tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Nhiều ưu điểm

Về cơ bản, các ý kiến tham gia đóng góp đều nhất trí việc thay thế Quyết định 84 là rất cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế hiện nay tại Hà Nội. Đáng chú ý, Dự thảo Quyết định đã giải quyết được những bất cập thực tiễn đặt ra trong thực hiện cơ chế một cửa, MCLT như: Chi tiết hóa quy trình thực hiện một cửa, MCLT; xác định rõ tiêu chí cơ bản để giao cơ quan chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên thông; giao quyền chủ động cho đơn vị bố trí cán bộ, công chức (CBCC) làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) và nêu rõ trách nhiệm của những CBCC này; thống nhất biểu mẫu trong giải quyết TTHC...
Cán bộ một cửa xã Liên Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ một cửa xã Liên Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Dự thảo cũng được nhận định có nhiều điểm mới so với Quyết định 84. Trong đó, quy định CBCC một cửa có thể được phân công giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức để đảm bảo phù hợp thực tiễn, rút ngắn thời gian cho người dân. Dự thảo cũng quy định, ngoài tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng, bộ phận một cửa còn phải có CBCC làm việc đạt tiêu chuẩn quy định; chi tiết các bước tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính. Với những hồ sơ quá hạn giải quyết, lãnh đạo bộ phận để xảy ra chậm, muộn phải có văn bản xin lỗi tổ chức, công dân kèm lý do chậm, muộn và thời gian hẹn trả kết quả; đồng thời gửi một bộ về Phòng Nội vụ (đối với cấp huyện, xã) hoặc Sở Nội vụ (với cấp sở, ngành) để theo dõi, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCC.

Chú trọng lợi ích người dân

Khi góp ý vào Dự thảo, đại diện các ngành thường xuyên phải giải quyết TTHC theo một cửa, MCLT như Xây dựng, TN&MT, KH&ĐT, Tư pháp… cũng đề nghị không nên quy định “cứng” về diện tích làm việc tối thiểu của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (cấp sở 40m2, cấp huyện 80m2 và xã 40m2), bởi các đơn vị tại nội thành khó đáp ứng. Bên cạnh đó, cần quy định rõ thời gian lưu trữ, hiệu lực của những TTHC đã có kết quả giải quyết nhưng tổ chức, cá nhân không đến nhận. Đặc biệt, chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa hiện đại phải đạt từ 95% trở lên theo đúng quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Nam Sơn, quyết định mới cần đề ra chế tài cụ thể để khi bước vào thực hiện MCLT, các đơn vị liên quan đều phải nêu cao trách nhiệm. Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Đỗ Quý Tiến  đề nghị, trong đối tượng áp dụng cơ chế một cửa, MCLT, Hà Nội cần bổ sung 2 nhóm là DN và đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ sao cho các cơ quan thực hiện có thể cải thiện tối đa bộ phận một cửa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của tổ chức, cá nhân. “Chính quyền là của Nhân dân, nên bộ phận này của dân phải được bố trí trang trọng, xứng đáng” - ông Tiến nhấn mạnh.

Về thời gian làm việc của bộ phận này, nhiều người đề xuất, chỉ nên quy định tổng thời gian, còn thời gian cụ thể nên để thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết: Theo khảo sát của Sở, hiện các cơ quan, đơn vị thuộc TP đang thực hiện giờ bắt đầu, kết thúc ngày làm việc khác nhau, có đơn vị buổi sáng từ 7 - 11 giờ và chiều từ 13 - 17 giờ, có đơn vị lại bắt đầu và kết thúc muộn hơn. Điều này gây thiếu thuận tiện khi liên hệ công việc giữa các cơ quan, đơn vị và giữa tổ chức, cá nhân với các đơn vị khác nhau. Vì vậy, để thuận lợi trong hoạt động giao dịch, TP cần quy định thống nhất thời gian làm việc của bộ phận một cửa.

Ông Tuấn cũng cho biết: “Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 84 sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến, tập trung vào khối quận, huyện, xã, phường. Sau đó, Sở Tư pháp thẩm định và trình UBND TP để ban hành quyết định chính thức trong khoảng tháng 9 hoặc 10/2015”.