Nhân lực an ninh mạng Việt đáp ứng chuẩn toàn cầu
Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng không phải là mới, điều này đã được người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đưa ra tại sự kiện Ngày An toàn thông tin diễn ra vào cuối năm 2019. Nếu như ở thời điểm đó, mục tiêu chỉ được Bộ trưởng dùng từ “có thể” để nói thì tới chỉ vài tháng sau, cũng chính ông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định đây là điều mà Việt Nam phải làm được.
Và diễn biến trên thực tế, lĩnh vực an ninh mạng nói chung của Việt Nam đã được tập trung đầu tư hơn rất nhiều so với trước đây. Không chỉ nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin của khối doanh nghiệp trong nước được nâng cao mà ngay cả những cơ quan Nhà nước cũng nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề này. Số kinh phí chi cho an ninh mạng tăng khoảng 50% so với trước đây cũng như hàng loạt sản phẩm an toàn thông tin “Make in Vietnam” đã được đưa vào ứng dụng thực tế.
Tại buổi tọa đàm “Nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu - Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay (25/4), nhiều chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng, hiện Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để vươn mình thành cường quốc an ninh mạng.
Theo TS Trịnh Ngọc Minh, để hiểu rõ về khái niệm “cường quốc an ninh mạng” có thể đối chiếu sang “cường quốc quân sự”. Một quốc gia sẽ được xem là cường quốc quân sự sẽ dựa trên các yếu tố như ngân sách quốc phòng, năng lực khí tài và số lượng quân đội. Cường quốc an ninh mạng cũng tương tự. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần giải những bài toán về ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này là bao nhiêu, các sản phẩm - giải pháp công nghệ trong nước tự chủ là bao nhiêu và số lượng chuyên gia an ninh mạng có thể đáp ứng được điều kiện thực tế là bao nhiêu.
Khác với 5 năm trước đây, Việt Nam đã có nhiều điểm sáng về trong lĩnh vực an toàn thông tin. Tiêu biểu nhất là ở thời điểm hiện tại Việt Nam đã lọt Top 25 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI 2020). Đây là tín hiệu rất đáng mừng, TS Trịnh Ngọc Minh chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav Ngô Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đang sở hữu lực lượng nhân sự an toàn thông tin có năng lực cao và có quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong số ít những quốc gia có nhiều chuyên gia được xếp thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng an toàn thông tin. Nhiều người trong số đó đã phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật của các hệ thống lớn như Google hay nguồn gốc các cuộc tấn công vào hệ thống website của các cường quốc an ninh mạng như Mỹ hay Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Chính phủ đã bắt đầu dành nhiều ưu ái cho lĩnh vực an toàn thông tin. Có thể kể đến như Bộ TT&TT đang có đề xuất ban hành quy định bắt buộc các dự án về công nghệ thông tin phải dành tối thiểu 10% vốn đầu tư cho an ninh mạng.
Hay như các sản phẩm an ninh mạng “Make in Vietnam” cũng được tạo nhiều cơ chế, chính sách để cổ vũ phát triển. Hiện tại, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể tự chủ về giải pháp an ninh mạng khi có thể đáp ứng tới 90% nhu cầu hiện có, ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
Cần hệ sinh thái cho an ninh mạng
Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng đã có nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này lại là một quãng đường dài. Theo Chủ tịch VSEC Trương Đức Lượng, cần phải mất tối thiểu từ 5 - 10 năm để đạt được vị trí như trên.
Ông Trương Đức Lượng lý giải, an ninh mạng chỉ là một lĩnh vực trong ngành công nghệ thông tin, do đó toàn ngành tốt lên thì các lĩnh vực trong đó mới có thể tốt lên. Hay nói một cách khác, Việt Nam phải trở thành một cường quốc chuyển đổi số trước khi trở thành cường quốc an ninh mạng.
Nhìn sang những cường quốc an ninh mạng trên thế giới như Israel hay Singapore đều có thể thấy rằng họ đã rất thành công về chuyển đối số. Nhờ đó, họ đã tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho an ninh mạng như: đào tạo cấp bậc đại học, nghiên cứu cấp viện, quỹ khởi nghiệp thu hút nhà đầu tư … Ở Israel, số lượng doanh nghiệp làm về an toàn thông tin nhiều gấp 20 lần Việt Nam và số vốn được đầu tư trong 3-4 năm đã lên đến hơn 10 tỷ USD. Đây thực sự là những con số khổng lồ.
Từ đó có thể thấy, an ninh mạng Việt Nam cần một hệ sinh thái đầy đủ, từ đào tạo cho đến đầu tư để có thể phát triển đường dài. Việt Nam không thiếu chuyên gia an ninh mạng nhưng lại thiếu một thị trường đa dạng mà ở đó có sự góp mặt của doanh nghiệp, nhà đầu tư để mở rộng mô hình và lĩnh vực kinh doanh.
Nếu Việt Nam có ít nhất 100 doanh nghiệp về an ninh mạng, có cách làm việc bài bản, chịu đầu tư nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm chất lượng thì lúc đó mới có thể vươn mình thành cường quốc an ninh mạng, ông Trương Đức Lượng nhận định.
Có cùng nhận định, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav Ngô Tuấn Anh cũng cho rằng, thị trường chính là yếu tố quyết định để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc an ninh mạng. Nếu chúng ta có thị trường tốt thì sẽ tạo ra được nhiều doanh nghiệp và cũng từ đó sẽ tạo ra được nguồn lực đủ lớn để phát triển các doanh nghiệp này. Như vậy, mặt bằng chung của toàn ngành sẽ được nâng lên.
Trên thực tế, thị trường an toàn thông tin của Việt Nam chưa thực sự tốt. Mặc dù phía cơ quan quản lý Nhà nước đã có những quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp nhưng vẫn còn phổ biến tình trạng nơi làm theo, nơi không. Thậm chí, có những đơn vị đi thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin bình thường để đảm bảo an toàn thông tin. Điều này không chỉ khiến nguy cơ mất an toàn tăng cao mà còn vô tình làm hạn chế sự phát triển của các đơn vị chuyên về bảo mật.
Do đó, các cơ quan Nhà nước cần có cơ chế giám sát để đảm bảo những quy định về an toàn thông tin được thực hiện đầy đủ, đúng người, đúng việc. Lúc đó, tự động một môi trường đúng nghĩa cho an ninh mạng sẽ được hình thành, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.