Vì sao chủ trương dùng lại SGK chưa thực hiện được?
Theo chủ trương của quốc hội thì đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Hai năm qua, SGK không còn giữ vai trò độc tôn, SGK được xem như một tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Việc giám sát, đánh giá dạy học mỗi môn học và hoạt động giáo dục căn cứ vào chương trình Quốc gia.
Các nhà xuất bản có chức năng tổ chức xuất bản SGK lựa chọn nhóm tác giả ở từng lớp, từng môn học. Nhóm tác giả căn cứ vào quy định của chương trình biên soạn SGK tương ứng, tuân thủ các quy định về yêu cầu cần đạt, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, dạy học tích hợp và dạy học phân hoá, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá, giúp giáo viên linh hoạt sang tạo trong dạy học,...
PGS.TS Đào Thái Lai - Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho hay: “Chúng ta đã thực hiện được chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, đã có một số SGK cho mỗi môn học. Các SGK được biên soạn có phong cách khác nhau và chất lượng sách được nâng lên do có tính cạnh tranh, mỗi bộ sách có những nét đặc thù, sắc thái riêng và đều đảm bảo chất lượng" .
Về vấn đề thẩm định sách, Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chí đánh giá và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Phần đông các hội đồng thẩm định đã có trình độ năng lực cao, góp phần đánh giá khách quan, đưa ra các khuyến nghị có giá trị nâng cao chất lượng các SGK.
Phương thức lựa chọn SGK có thay đổi trong hai năm qua: Năm đầu tiên là cho các trường tự chọn sách và năm tiếp theo là yêu cầu từng tỉnh tổ chức lựa chọn. Về vấn đề giá thì SGK có giá cao, vượt khả năng tài chính của một số gia đình. Nguyên nhân do SGK được in với giấy tốt hơn, khổ to hơn, có màu sắc hấp dẫn và chi phí cho phát hành khá lớn.
PGS.TS Đào Thái Lai khẳng định: Chủ trương của Quốc hội là sử dụng SGK nhiều lần nhưng qua hai năm triển khai, chủ trương này chưa thực hiện được. Mặc dù các nhà xuất bản cùng nhóm tác giả đã viết sách theo hướng để học sinh không được viết vào sách; nhưng những sách học sinh học năm học đầu tiên không được các trường giữ lại (vì thuộc quyền sở hữu của học sinh), kết quả là sang năm thứ hai, học sinh lại phải mua sách mới. Nguyên nhân do chưa có chủ trương, phương thức tổ chức sử dụng một cuốn sách nhiều năm (ở tất cả các cấp quản lí giáo dục đều không nghĩ đến điều này).
Xây dựng kế hoạch sử dụng SGK nhiều năm
Theo PGS.TS Đào Thái Lai, việc lựa chọn SGK nên thực hiện theo phương thức đề ra năm đầu tiên, đó là để các trường xem xét và nghiên cứu rồi chọn sách phù hợp, đồng thời tham khảo các bộ SGK khác để bổ sung trong dạy học các bài cụ thể; điều này tránh được trường hợp cả tỉnh hoặc cả huyện chỉ dùng một bộ SGK.
Tiếp đến, việc giảm giá bán từng cuốn SGK có thể thực hiện được nếu Nhà nước quản lí. Muốn vậy, nên quy định về phí phát hành khoảng 15% giá bìa. “Thực tế hiện nay, chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định về mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình chi phí viết, biên tập, in ấn phát hành, từ tiền chi tác giả, tiền giấy, tiền in…”- PGS.TS Đào Thái Lai nêu quan điểm và nhấn mạnh việc phải minh bạch hóa chi phí thị trường, trong đó cần có giải pháp để triệt tiêu chi phí cho các khâu trung gian được các đơn vị xuất bản chi để mở rộng thị trường; nếu không làm được thì giá sách sẽ khó giảm, gánh nặng sẽ rơi vào người dân phải chịu.
Từ kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là của Pháp khi quy định thời hạn sử dụng một cuốn sách khoảng 3 - 4 năm và có các quy định để đảm bảo cho việc này, theo PGS.TS Đào Thái Lai, ở nước ta cũng cần quy định cụ thể về yêu cầu giữ gìn và sử dụng sách nhiều năm bằng việc đưa yêu cầu này vào ngay trang đầu của SGK.
Theo đó, ở trang đầu mỗi cuốn sách sẽ ghi rõ: “Sách này sẽ được dùng trong nhiều năm, em hãy giữ gìn sách cẩn thận để các bạn năm sau dùng”. Tiếp theo, cần có một bảng gồm 4 dòng ghi tên học sinh sử dụng lần lượt theo các năm. Áp dụng theo cách này thì Nhà nước hoặc địa phương mua sách cho toàn bộ học sinh hoặc ít nhất mua cho cho các học sinh gặp khó khăn. Nhà trường phát cho mượn sách, cuối năm thu lại để các học sinh năm sau dùng. Trường hợp học sinh tự mua sách, cuối năm cần động viên các em nhường lại sách đó cho các bạn khoá sau dùng.
"Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường đều xây dựng kế hoạch sử dụng sách nhiều năm một cách hợp lí. Trong kế hoạch có cả việc đảm bảo cơ sở vật chất để lưu giữ, bảo quản sách trong thư viện. Việc giám sát đảm bảo sử dụng sách nhiều lần cần được đưa vào tiêu chí đánh giá từng trường, từng cơ sở quản lí giáo dục"- PGS.TS Đào Thái Lai nêu quan điểm.