Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức "khó" giảm phụ thuộc kinh tế, Trung Quốc nói gì?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng vốn đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng 4,3% lên mức kỷ lục 11,9 tỷ euro (12,8 tỷ USD) vào năm 2023.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và Đức nên “tuân thủ sự cởi mở và tự do thương mại” cũng như giữ cho môi trường chính sách ở mức “có thể dự đoán được”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi giảm thiểu rủi ro từ Bắc Kinh ở châu Âu.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Munich hôm 17/2 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề nghị hỗ trợ Berlin “đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực”, đồng thời kêu gọi hai quốc gia “phối hợp để mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho khu vực, cũng như trên toàn thế giới".

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Munich hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hai quốc gia “phối hợp để mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho thế giới”. Ảnh: Xinhua
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Munich hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hai quốc gia “phối hợp để mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho thế giới”. Ảnh: Xinhua

Ông Vương cũng lưu ý rằng năm nay Trung Quốc và Đức kỷ niệm 10 năm “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và cho biết họ nên rút kinh nghiệm để tăng cường hợp tác trong tương lai, theo một thông cáo của Trung Quốc công bố vào tối 18/2. 

“Hai bên nên tiếp tục cởi mở và tuân thủ các nguyên tắc của thương mại tự do, phát huy đầy đủ vai trò trong hợp tác kinh tế và thương mại như một "viên đá chấn lưu", cũng như cung cấp một môi trường chính sách phù hợp với những mục tiêu này," theo Ngoại trưởng Trung Quốc.

Đáp lại, Thủ tướng Scholz - dự kiến tới thăm Trung Quốc vào tháng 4 tới - cho biết Berlin chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tách rời, đồng thời sẵn sàng thúc đẩy “môi trường kinh doanh chất lượng cho doanh nghiệp của các nước khác ở Đức”.

Theo bản tin của Trung Quốc, ông Scholz cho biết: “Tình hình quốc tế hiện nay đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn và Đức sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định”.

Ông Vương cũng đã có cuộc hội đàm cùng ngày với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock.  “Đức sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thực hiện tham vấn về các vấn đề khu vực, tăng cường hợp tác trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thông suốt các tuyến thương mại quốc tế,” Ngoại trưởng Đức cho biết. 

Những cuộc tiếp xúc diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Đức - lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới - đang ở mức căng thẳng. 

Chính phủ Scholz vào tháng 7 đã công bố chiến lược Trung Quốc đầu tiên, trong đó coi nước này là “đối thủ có hệ thống”, lặp lại ngôn từ của Liên minh Châu Âu rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ có hệ thống”.

Đồng thời Berlin cũng kêu gọi các công ty và nhà đầu tư Đức giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Chính sách mới cũng làm dấy lên lo ngại về điều mà Ngoại trưởng Baerbock gọi là “cạnh tranh không lành mạnh” từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp hai nước.

Bắc Kinh đã từ chối lời kêu gọi của phương Tây, với việc Thủ tướng Lý Cường vào tháng 6 nói rằng đó là một “đề xuất bắt buộc”.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về căng thẳng địa chính trị và nền kinh tế Trung Quốc – cũng như áp lực từ các đối thủ Trung Quốc trong những ngành công nghiệp từng do Đức thống trị như sản xuất ô tô – đầu tư của Đức vào Trung Quốc thực sự đã tăng lên trong năm ngoái.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức dựa trên dữ liệu từ Bundesbank, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng 4,3% lên mức kỷ lục 11,9 tỷ euro (12,8 tỷ USD) vào năm 2023. Báo cáo kết luận rằng “không có xu hướng” đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Theo dữ liệu chính thức của Đức, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức vào năm 2023 - là năm thứ tám liên tiếp với lượng hàng hóa trị giá 253,1 tỷ euro được giao dịch giữa hai nước.