70 năm giải phóng Thủ đô

Đức muốn "mượn" ảnh hưởng của Trung Quốc tác động lên Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây ảnh hưởng để thúc đẩy Nga chấm dứt xung đột với Ukraine.

“Lời nói của Trung Quốc có trọng lượng với Nga,” ông Scholz trao đổi với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Tập hôm 16/4 tại Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức cho biết thêm, cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí phối hợp chuẩn bị cho hội nghị cấp cao ở Thụy Sĩ để thảo luận về khuôn khổ hòa bình do Ukraine ủng hộ.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập trước đó đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Ukraine với Thủ tướng Scholz, đồng thời không đưa ra dấu hiệu ủng hộ hay tham gia vào hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6.

Ông Tập nhấn mạnh “để ngăn chặn xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, tất cả các bên nên hợp tác để khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt”, Tân Hoa Xã cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các cường quốc thế giới nên tập trung vào việc khôi phục hòa bình và ổn định ở Ukraine thay vì tìm kiếm “những lợi ích vị kỷ”.

Ông Tập cũng cũng nêu ra 4 nguyên tắc mà ông tin rằng sẽ ngăn xung đột leo thang.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập, việc đầu tiên là '"duy trì hòa bình, ổn định và kiềm chế tìm kiếm lợi ích vị kỷ”.

Bước tiếp theo sẽ là ngừng “đổ thêm dầu vào lửa”, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc khôi phục hòa bình.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi giảm thiểu tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế toàn cầu, yêu cầu các bên “kiềm chế hành động làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Thủ tướng Đức nói thêm rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra đã ảnh hưởng đến “lợi ích cốt lõi” của Đức, làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cũng như thương mại toàn cầu. Theo ông Scholz, sự thù địch cũng có tác động tiêu cực đến an ninh châu Âu và có nguy cơ làm tổn hại “toàn bộ trật tự quốc tế”.

Trung Quốc, vốn luôn khẳng định trung lập trong cuộc xung đột Ukraine, đã vấp phải chỉ trích từ phương Tây khi từ chối lên án hoạt động quân sự của Moscow.

Chính phủ Bắc Kinh đã cung cấp cho Điện Kremlin sự hỗ trợ về ngoại giao, chính trị và thương mại giữa hai quốc gia đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, làm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Bắc Kinh từ lâu đã thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời ban hành kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt tình trạng thù địch vào dịp một năm cuộc xung đột hồi tháng 2/2023.

Sáng kiến này được Moscow ca ngợi, bao gồm lời kêu gọi chấm dứt thù địch, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.

Trái ngược với đề xuất chấm dứt giao tranh của Bắc Kinh, công thức hòa bình 10 điểm của Kiev được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu tiên vào mùa thu năm 2022 yêu cầu lực lượng Nga rút lui hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ trong biên giới năm 1991 của Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã mô tả công thức hòa bình của ông Zelensky là “hoàn toàn trống rỗng” và “xa rời thực tế”.