Đức nhắm lệnh trừng phạt vào năng lượng hạt nhân Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU cho đến nay vẫn kiềm chế không đưa nhiên liệu hạt nhân vào các gói trừng phạt chung.

Bộ Kinh tế Đức hôm 17/4 cho biết đã yêu cầu Ủy ban châu Âu áp các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Do các thành viên bị chia rẽ về ý tưởng này, EU cho đến nay vẫn kiềm chế không đưa nhiên liệu hạt nhân vào các gói trừng phạt chung. 

Một nhà máy điện hạt nhân ở Lingen, Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: AP
Một nhà máy điện hạt nhân ở Lingen, Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: AP

“Chính phủ liên bang đã trao đổi với Ủy ban châu Âu ủng hộ việc đưa lĩnh vực hạt nhân dân sự vào gói trừng phạt tiếp theo của khối", Bộ Kinh tế Đức cho biết, nhấn mạnh EU không nên “né tránh hành động quyết đoán trong lĩnh vực này”.

Đức đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào cuối tuần trước, bất chấp những lời kêu gọi mở rộng hoạt động trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.

Chưa đầy một ngày sau, 5 thành viên của nhóm G7: Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp tuyên bố sẽ phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân - không bao gồm Nga, trong nỗ lực buộc Moscow rút khỏi hiệp ước hạt nhân quốc tế. 

Nga là một trong những nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới và cung cấp khoảng 20% lượng uranium nhập khẩu cho EU vào năm 2020. Trong khi đó, Kazakhstan chiếm 23% và Niger 24%, theo dữ liệu do Friends of the Earth Đức tổng hợp.

Cả EU và Mỹ đều không trừng phạt lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. EU đã áp đặt 10 gói trừng phạt kinh tế, trong đó có những gói nhắm vào ngành dầu khí Nga, nhưng việc đạt được sự nhất trí của các thành viên để thông qua gói thứ 11 có thể gây khó khăn vì Hungary tuyên bố sẽ phản đối biện pháp đó. 

Hungary nhập khẩu uranium từ Nga và các cơ quan năng lượng Hungary hiện đang phối hợp với Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom để mở rộng nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này.

Budapest đã nhiều lần lập luận rằng các biện pháp trừng phạt trước đây thực chất không làm suy yếu Nga, trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu. Chính phủ Orban đã khẳng định nhiên liệu hạt nhân của Nga rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Hungary.

Pháp cũng hợp tác sâu rộng với Rosatom. Trong một bài đăng trên Twitter cuối tuần trước, Sven Giegold, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Đức, cho biết Berlin sẽ “cố gắng thuyết phục” Paris đi theo hướng của mình và "tránh xa" nguồn uranium từ Nga.

Trong diễn biến liên quan, các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm G7 hôm 18/4 đã lên án tuyên bố của Nga về triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi Trung Quốc hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Các bình luận trong thông cáo của Hội nghị kéo dài ba ngày tại Nhật Bản, nhấn mạnh các vấn đề kép về sự can thiệp quân sự của Nga và lo ngại về hành động tương tự của Trung Quốc đối với Đài Loan. 

Các bộ trưởng cho biết: "Những lời hoa mỹ về hạt nhân vô trách nhiệm của Nga và mối đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là không thể chấp nhận được".

"Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào của Nga sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng."

Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn trên lãnh thổ của nước láng giềng. Moscow cho rằng động thái này được đưa ra trước sức ép mở rộng của liên minh quân sự NATO về phía biên giới của Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần