Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức: Tổng thư ký đảng SPD lên tiếng bảo vệ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đứng đầu chính phủ liên minh của Đức tuyên bố rằng không nên gắn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với vấn đề chính trị.

Ông Kevin Kuehner -Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đứng đầu chính phủ liên minh của Đức. Ảnh: Reuters
Ông Kevin Kuehner -Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đứng đầu chính phủ liên minh của Đức. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 9/1, Tổng thư ký đảng SPD Kevin Kuehnert nêu rõ: “Tôi được biết dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 gần như được kết nối với lưới điện, chỉ còn chờ giấy  phép đế chính thức đưa vào vận hành. Chúng ta cần phải tách biệt giữa vấn đề chính trị và vấn đề pháp lý đối với dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức”.

Tuyến đường ống khí đốt hợp tác Nga-Đức đã được hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng đang chờ các cơ quan quản lý của Đức và Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt. Một số chính trị gia ở Đức và nước ngoài đã nói rằng nó nên bị chặn do một số bất đồng chính sách với Nga.

Liên quan đến vấn đề này, ông Kuehnert khẳng định tuyến đường ống khí đốt do tập đoàn năng lượng Nga Gazprom làm chủ đầu tư không nên gắn vào cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiex, cũng như các vấn đề nhân quyền, nơi Berlin có lập trường và chiến lược ngoại giao rõ ràng.

Mặc dù lập trường của đảng Xanh, một đối tác trong liên minh cầm quyền của Đức, với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 còn khác biệt, nhưng sự ủng hộ của SPD đối với đường ống dẫn khí đốt đi qua biển Baltic này tương đồng với lập trường của liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của cựu Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel nhiều lần tuyên bố tuyến đường ống khí đốt này là một dự án thương mại, do chính Thủ tướng Olaf Scholz thực hiện.

Dự án Dòng chảy phương Bắc đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia như Ba Lan và Ukraine do cho rằng dự án sẽ khiến EU bị phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga - quốc gia vốn đã cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khối.

Tuy nhiên, chính quyền Berlin nhiều lần khẳng định dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là cần thiết đối với an ninh năng lượng của nước này. Gần đây, EU cũng ủng hộ việc sử dụng khí đốt như một công nghệ bắc cầu trong những điều kiện nhất định cho đến khi năng lượng tái tạo và hydro sạch có thể thay thế nó.

Trước đó, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng Uniper của Đức, ông Klaus-Dieter Maubach cho hay, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể được thông qua vào giữa năm 2022. “Tôi không thấy bất kỳ sự cản trở chính trị nào, Cơ quan Mạng lưới Khí đốt Liên bang Đức đang xem xét kế hoạch cấp chứng nhận cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Việc thông qua có thể diễn ra vào giữa năm 2022. Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng châu Âu”, ông Maubach nhấn mạnh.

Theo ông Maubach, tất cả khả năng nhập khẩu bổ sung đều sẽ giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm trên thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, CEO Uniper lưu ý những rủi ro chính trị có thể xảy ra nếu cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, tuyến đường ống khí đốt của Nga có thể trở thành mục tiêu cho các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cũng cho rằng quá trình cấp giấy chứng nhận dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể kéo dài đến mùa hè năm 2022. Ông Pankin thừa nhận, các nhà chức trách Mỹ có thể làm phức tạp thủ tục này.