Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng bằng tốt nghiệp THPT giả thì các bằng cấp cao hơn xử lý thế nào?

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo luật sư, người nào dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để làm điều kiện trúng tuyển sẽ xử lý bị thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và các bằng cấp cao hơn nếu có.

Không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp bổ túc THPT

Vừa qua, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt. Cụ thể ngày 30/7/2024, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập ông Vương Tấn Việt. Qua buổi làm việc, Sở đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.

Sau khi kiểm tra, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở G&ĐT TP Hồ Chí Minh. Đồng thời ông cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.

Hình ảnh của một tấm bằng tốt nghiệp Đại học theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ảnh: P.V
Hình ảnh của một tấm bằng tốt nghiệp Đại học theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ảnh: P.V

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/8, Bộ GD&ĐT bước đầu xác minh nghi vấn về giá trị tấm bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan an ninh để điều tra làm rõ nhiều thông tin quan trọng khác. Cụ thể theo Bộ GD&ĐT, đơn vị này sẽ phối hợp với cơ quan an ninh và các đơn vị chức năng xác minh đây có đúng văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không. Thứ hai, nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu, cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Quy định của pháp luật

Vậy nếu trong trường hợp một người sử dụng bằng cấp 3 giả thì sẽ xử lý thế nào. Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm… Điều 25 quy định, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp: có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ…

Trong trường hợp cá nhân dùng bằng cấp 3 nếu được xác định là giả, để học, thi cử, cấp văn bằng sẽ bị xử lý bằng cách thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và các bằng cấp cao hơn nếu có. Cụ thể, khoản 3, Điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18/3/2021 của Bộ GD-ĐT quy định: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học, văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ". Mặt khác, theo Nghị định 04/2012/NĐ-CP, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, trong vụ việc trên, cơ quan chức năng có thể xem xét, xử lý cá nhân vi phạm về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi: làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước; làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả; chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu; tiêu hủy trái phép con dấu. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.