Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng biến “tổ ấm” thành “tổ lạnh”

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình Việt Nam đã chuyển từ mô hình "nhà một cột" sang "nhà hai cột" và cả hai vợ chồng đều có ý thức phát triển bản thân.

Nhưng khi lối sống cá nhân được đề cao quá mức, sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Và để giữ được sự ấm êm cho cuộc sống gia đình cũng là một thử thách với nhiều người.
Nhiều người hay than phiền, công việc hàng ngày quá bận rộn cứ cuốn trôi các thành viên trong gia đình về mỗi ngả khác nhau, thời gian sum họp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Không ít gia đình hiện đại, trong không ít ngôi nhà tiện nghi, chỉ thường xuyên có mặt người giúp việc thay chủ nhà chăm lo cơm nước cho con cái. Bởi khi ấy, người vợ còn mải lo làm ăn, người chồng đi công tác vắng. Nhưng cũng chính vì thiếu sự quan tâm sát sao của bố mẹ, khiến nhiều trẻ bị tổn thương, trở nên nhút nhát, khó hòa nhập, nặng hơn là vùi đầu vào game, đua đòi ăn chơi...
 Ảnh minh họa.
Đúng là như vậy. Ngày càng nhiều gia đình đứng trước bờ vực bất hạnh cũng bởi quá bận rộn với chuyện mưu sinh. Chuyện "cơm áo gạo tiền" đã tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Rất nhiều gia đình chỉ có vài người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, bố mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, thành thử bữa cơm tụ họp cứ thưa thớt dần. Bên cạnh đó, không gian riêng ngày càng phát triển khiến mỗi người lại bận rộn hơn với những vấn đề cá nhân. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi. Cùng với đó, sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia giữa bố mẹ và con cái cũng nhạt nhòa dần. Cái cảnh cả nhà cùng ngồi ở phòng khách, nhưng mỗi người đều đang chìm đắm vào “thế giới riêng” với chiếc điện thoại, hay một thiết bị công nghệ gì đó trước mặt đang trở thành phổ biến. Đây là một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay. Do thời gian dành cho gia đình ít, mối quan hệ giữa các thành viên càng trở nên lỏng lẻo, đến một lúc nào đó, họ không thể tìm được tiếng nói chung thì dẫn đến việc đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Một người vợ đã than thở rằng, chợt nhớ và suy ngẫm lại, đã rất lâu rồi vợ chồng chị không ngồi cùng mâm cơm với nhau. Do vòng quay của cuộc sống cứ cuốn vợ chồng chị xoay tròn, xoay tròn mỗi ngày. Đi làm, vợ chồng ăn cơm trưa ở công ty, chiều vợ về nhà lo cho con và ăn cơm một mình, anh ăn ở ngoài rồi đi học hay giải quyết những công việc cá nhân… Nhiều khi mơ được ăn cùng nhau một bữa cơm gia đình cũng là điều xa xỉ. Công việc của chị, chị biết, công việc của anh, anh lo… Vợ chồng không được giãi bày, chia sẻ, cứ thế, mất dần đi những điểm chung, và đây cũng là nguyên nhân khiến họ ngày càng xa cách.

Nhiều trường hợp khác, cũng chì vì mải lo thăng tiến cho bản thân, quên vun đắp cho mái ấm gia đình, để đến lúc quay đầu dường như đã muộn. Có đôi vợ chồng sống chung được bảy năm, đến lúc chồng muốn có con thì chị lại không thể có con, do kế hoạch quá lâu, do mải mê sự nghiệp. Sự hiếm muộn không phải "thủ phạm" gây ra sự xa cách vợ chồng, nhưng lại là cái cớ khiến hai người có cuộc sống ngày càng... riêng. Trong ngôi nhà khá tiện nghi của họ, ít khi đủ đầy cả vợ lẫn chồng. Những lúc ấy, anh không trách được vợ vì chính anh cũng đi công tác liên tục.

Một chị kể, cách đây không lâu, khi được thăng tiến, đòi hỏi giờ làm việc nhiều hơn bình thường. Vì thế, ít khi cùng ăn tối với chồng con. Chị đã không để ý rằng, anh cũng bắt đầu ít về nhà ăn tối. Chỉ đến khi chợt nhìn lại ngôi nhà vắng vẻ, chị mới thấy rằng hình như hạnh phúc có gì không ổn. Chị giảm bớt công việc, về nhà đúng giờ hơn. Nhưng chồng chị đã quen với việc vắng mặt trong bữa cơm gia đình mất rồi. Càng đi, anh càng kiếm được nhiều tiền hơn, tần suất không ăn cơm nhà của anh cũng ngày một dày hơn. Có đợt đến mấy tuần liền, cả nhà không ăn chung với nhau bữa nào.

“Một gia đình lý tưởng là gia đình có sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên, gia đình chỉ có tình yêu thương và sự tôn trọng ngự trị. Để mỗi thành viên không cảm thấy “lạnh” ngay trong tổ ấm của mình, mỗi người chồng, người vợ nên tự biết cân bằng và điều chỉnh mình để cùng chèo lái con thuyền hạnh phúc”. Những điều tưởng như lý thuyết ấy vẫn thật đúng trong cuộc sống hiện nay. Bởi lâu nay người ta vẫn thường nói gia đình là tế bào của xã hội, một xã hội văn minh, phát triển phải hàm chứa phần lớn những gia đình nền nếp, hạnh phúc. Còn để xem xét một gia đình nền nếp, hạnh phúc, bao giờ người ta cũng bắt đầu từ hai thành viên cơ bản của gia đình là vợ, chồng. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi nghiên cứu gia đình về góc độ khoa học xã hội, người ta thường nhìn trước hết ở khía cạnh hôn nhân. Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi người cần phải biết tầm quan trọng của cuộc sống gia đình, về vai trò của người vợ, người chồng, trách nhiệm, bổn phận của từng người… Trong xã hội hiện nay, có không ít các cặp vợ chồng yêu nhau vì tình và bỏ nhau vì tiền. Vì vậy, khi đang có những gì trong tầm tay, phải biết trân trọng và giữ lấy nó. Mỗi người phải biết được giá trị của hạnh phúc để đừng biến tổ ấm của mình thành “tổ lạnh”.