Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thì đây là đợt rà soát chung tất cả các trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả việc giảm phí BOT cũng cần phải được công khai, minh bạch, chứ không phải kiểu đánh tráo khái niệm, xoa dịu dư luận tạm thời.
Phía Bộ GTVT khẳng định, đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư để tiếp tục giảm phí tại nhiều trạm BOT khác trên địa bàn cả nước. Động thái này ngay lập tức được dư luận rất hoan nghênh và cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy cũng như cách làm việc của cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ GTVT. Thế nhưng băn khoăn chưa phải đã hết.
Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi tại sao các hợp đồng BOT lại được coi là “mật” và không công khai với người dân, mặc dù người dân chính là những người có quyền lợi, trách nhiệm lớn nhất liên quan. Xâu chuỗi vấn đề từ việc bảo mật hợp đồng, thiếu minh bạch trong mời thầu, dự thầu; nhiều trạm thu, mức thu phí vô lý… thì việc công khai, minh bạch trong cách tính toán giảm phí cũng cần thiết không kém việc “xóa mật” các hợp đồng BOT. Người dân có quyền đặt câu hỏi, nếu không có những phản ứng gay gắt trong thời gian qua, liệu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan có tiến hành rà soát để giảm phí BOT?
Hơn nữa, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh rằng, việc giảm phí có thể khiến kéo dài thời gian thu phí thêm nhiều năm. Quan điểm này vẫn chưa khiến người dân yên tâm và thôi ngờ vực. Bởi nhiều dự án BOT không minh bạch ngay từ đầu, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai phạm, vậy việc giảm phí rồi kéo dài thời gian thu có khác gì “đánh bùn sang ao”.
Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với sai phạm tại hàng loạt dự án BOT, Nhân dân đang hy vọng Chính phủ sẽ sát sao, mạnh mẽ hơn nữa trong việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn tại các dự án BOT. Và không chỉ thanh kiểm tra việc thực hiện dự án mà Chính phủ, Quốc hội còn cần phải giám sát chặt chẽ khâu tính toán giảm phí BOT. Việc giảm phí phải cho thấy hiệu quả thiết thực đối với người dân chứ không chỉ là thay đổi cách thức thu tiền. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, phải để người dân thấy việc giảm phí BOT thực sự minh bạch chứ không phải là một phương cách để DN làm BOT đánh tráo khái niệm, xoa dịu dư luận để tiếp tục hưởng lợi lâu dài. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các trạm thu phí BOT được cho là đặt sai chỗ cần phải điều chỉnh như trạm: BOT Cai Lậy, BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới… Với những trường hợp này, việc giảm phí hoặc miễn thu phí với người dân khu vực lân cận cũng chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề mà thôi. Đồng thời phải hoàn thiện cơ chế pháp lý, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới những vi phạm tại các dự án BOT thời gian qua. Chỉ có như vậy mới giải quyết triệt để những vấn đề mà dư luận và người dân phản ứng về việc thu phí tại các dự án BOT.