Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng dạy con văn hóa hưởng thụ

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cha mẹ đối với con cái dễ xảy ra hai thái cực. Một là, ân hận vì mình kiếm ra tiền quá ít khiến không thể cho con quần áo đẹp, đồ chơi đẹp, xe cộ…

Nói tóm lại là khiến con của mình chỉ có một cuộc sống thiếu thốn về vật chất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dạng nữa là, như BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, một chuyên gia về giáo dục, cho biết: Cha mẹ tự mãn vì mình lo được cho con không thiếu thứ gì và còn cho con sống trong đẳng cấp của những người thành đạt, quý tộc... mà họ không biết mình đã lấy đi của con những gì?!!

Trên thực tế, có những cha mẹ do kinh nghiệm đầy mình, lại vốn rất thông minh nữa, đã lo cho con đủ thứ, từ cơm ăn áo mặc, con đường học hành cho đến chuyện dựng vợ, gả chồng và cả công danh sự nghiệp. BS Minh cho rằng: Những đứa trẻ có bố mẹ như vậy không còn đất sống vì mọi thứ cha mẹ đã quyết định thay và họ cho rằng với kinh nghiệm khôn khéo của họ thì mọi sự đều tốt đẹp, không thể chối cãi.

Vô tình, cha mẹ biến con thành những người biết hưởng thụ cuộc sống nhưng chân tay như bị cắt cụt, không thể tự mình tạo ra mức sống đó, mãi mãi lệ thuộc vào cha mẹ và tài sản thừa kế. Nếu có sự giành giật giữa anh em, nhất là giữa "con anh, con tôi, con chúng ta" thì áp lực tâm lý lên đứa trẻ khủng khiếp biết nhường nào!!!

Việc mong mỏi tài sản thừa kế là điều thường thấy ở nhiều gia đình. Nếu mọi việc không có mâu thuẫn thì không sao, nhưng điều đáng nói là vì chuyện này nhiều gia đình đã xảy ra lục đục, thậm chí xô xát.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là những đứa trẻ được bố mẹ bao bọc từ vật chất đến tinh thần, làm thay chúng mọi chuyện sẽ khiến những đứa trẻ này mất đi khả năng kháng cự trong cuộc sống nếu chuyện không may xảy ra. Nhưng đứa trẻ này vì từ nhỏ quan niệm vật chất là quan trọng nhất, nên khi không có nó, chúng chỉ tìm cách giành giật nó, chứ không tìm cách kiếm bằng sự lao động lương thiện và sáng tạo.

Với những bố mẹ nghèo không cho con nhiều của cải thì sao? Chúng ta không phải ai cũng giàu để có tiền cho con cái. Quan trọng hơn, con cái có thực sự cần tiền từ bố mẹ? Và cả sự dạy dỗ thật chu đáo từng chân tơ kẽ tóc?
Thực ra, mỗi đứa trẻ lớn lên bằng tình thương của bố mẹ là chính, và sự hỗ trợ khi cần thiết.

Thiền sư người Ấn Độ Sadhguru nói: "Bạn không cần phải “nuôi dạy” con cái. Bạn phải cho chúng không gian, tình yêu và sự hỗ trợ để chúng phát triển. Mỗi con người đều có khả năng tiềm ẩn của riêng mình”. Vậy đấy, bố mẹ giàu hay nghèo hãy cho con nhiều nhất là tình yêu thương.