Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử: Bước tiến trong chuyển đổi số

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai cấp và sử dụng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản điện tử, thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến được đánh giá là bước tiến trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.

Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử từ ngày 18/2

Theo nội dung thông tư 01/2022, có hiệu lực từ 18/2 do Bộ Tư pháp ban hành, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, từ ngày 18/2, công dân khi đi làm các thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản giấy mà dùng dữ liệu điện tử, có mã QR Code. Theo điều 9 thông tư, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị pháp lý như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến. Bản điện tử còn có giá trị thay thế giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Mã QR Code trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Các cơ quan khi tiếp nhận bản điện tử hộ tịch của công dân có thể kiểm tra độ chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật thông qua mã QR Code.

Bản điện tử có mã QR Code của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn
Bản điện tử có mã QR Code của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn

Công dân khi có nhu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến sẽ truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, công dân phải cung cấp thông tin theo biểu mẫu, gửi kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ theo quy định; nộp lệ phí bằng hình thức thanh toán trực tuyến. Xong các bước trên, công dân được cấp một mã số để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu bổ sung.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả bằng một trong các phương thức sau: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua gmail hoặc kho quản lý dữ liệu điện tử của mình; Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp; Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch bằng đường bưu điện; Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký.

Khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cơ quan chức năng cũng quyết định “khai tử” sổ hộ khẩu giấy vào cuối năm 2022.

Giúp Nhà nước quản lý thống nhất thông tin của từng người dân

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, việc triển khai cấp và sử dụng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản điện tử, thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến là bước tiến trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Bên cạnh hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà biểu hiện dễ thấy là cấp Thẻ căn cước công dân gắn chip, bỏ sổ hộ khẩu bản giấy, việc cấp giấy khai sinh và đăng ký kết hôn điện tử giúp Nhà nước quản lý thống nhất thông tin của từng người dân. Qua đó hình thành xã hội số, mỗi người dân sống trong xã hội đó là công dân số. Mặt khác, chuyển đổi số còn khiến giảm bớt nhiều đầu mối trong cơ quan công quyền, tinh giản biên chế và tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, nhận và trả kết quả qua mạng cũng giúp người dân có nhiều thuận lợi hơn khi làm việc với cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian chi phí. Trước đây, người dân có nhu cầu làm thủ tục hành chính cần phải đến gặp trực tiếp cán bộ công chức, mang theo hồ sơ giấy tờ, mất ngày mất buổi thì nay chỉ cần ở nhà và bằng chiếc máy tính thì có thể giải quyết xong. Hiện nay, một người ở TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể làm thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước ở Hà Nội thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều mà trước đây khoảng hơn 10 năm để thực hiện được, người đó phải đi từ TP Hồ Chí Minh ra tận Hà Nội tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Trước đây khi đi ra ngoài mỗi người cần mang theo rất nhiều giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm… thì trong tương lai gần, chúng ta chỉ cần một chiếc thẻ căn cước công dân có gắn chip là đủ.

“Trước đây, nếu vô ý làm mất sổ hộ khẩu thì việc xin cấp lại rất vất vả, phải xin xác nhận ở nhiều nơi, chuẩn bị nhiều giấy tờ. Nhưng đến nay sổ hộ khẩu bản giấy sẽ không còn được sử dụng nữa, thay vào đó là dữ liệu được số hóa. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân, người dân là trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Việc triển khai cấp giấy khai sinh và đăng ký kết hôn điện tử là một trong rất nhiều biểu hiện cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Mong rằng tới đây sẽ có nhiều cải cách thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa để phục vụ người dân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.