Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng hiểu sai “tích cốc phòng cơ”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người xưa có câu tục ngữ “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (tích lương thực, ngũ cốc phòng khi đói, tích quần áo phòng khi rét). Nội dung câu tục ngữ trên phản ánh tình trạng vì đói kém của người nghèo thuở xưa, nên phải thường xuyên lo cho cái ăn, cái mặc… Nhưng với cuộc sống đô thị hiện nay, việc này nhiều lúc vẫn diễn ra và chưa hẳn đã cần thiết.

Còn nhớ thời THPT, tuy sống ở giữa trung tâm một thị xã lớn, nhưng mẹ anh bạn thân của tôi là người luôn lo xa. Trong nhà, bà luôn tích hàng tạ gạo các loại đậu đỗ, lạc vừng, dầu đèn, mắm muối cũng hàng chum to... Điều này phản ánh đúng bối cảnh những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước; nên việc “tích cốc” (cho một gia đình 5 miệng ăn) của bà chưa bao giờ là thừa. Bẵng đi trên 30 năm, lần gần đây quay về thăm lại, trong căn kho của bà sống độc thân vẫn như ngày nào, lương thực, thực phẩm khô vẫn đầy ắp… Hỏi ra, bà nói rằng, dẫu con cái đã có gia đình riêng, cái sự ăn uống của người già cũng chẳng đáng là bao, nhưng việc tích trữ lương thực, thực phẩm nó đã… ăn vào máu! Và việc này hoàn toàn không hề sai.
 Nếu như tối 18/7, sau khi TP ban hành Công điện số 15 một số siêu thị "cháy" thực phẩm...
Nhưng với cuộc sống của cư dân đô thị hiện nay, đa phần người dân đã không còn phải lo cơm, gạo; đã và đang vươn tới sự ăn ngon, mặc đẹp. Ấy vậy mà khi dịch bệnh Covid -19 có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, chính quyền TP ra Công điện, trong đó yêu cầu người dân hạn chế ra đường, tạm dừng chợ tạm, chợ rau xanh (nơi vốn tập trung đông người), để tập trung chống dịch; thế mà một bộ phận không nhỏ người dân xuất hiện tâm lý lo lắng, vội vã ra siêu thị “khuân” rau quả, thực phẩm về tích trữ…
Câu nói “tích cốc phòng cơ”, lại được đưa ra để giải thích cho những hành động theo "tâm lý đám đông" ấy. Hình ảnh các ngăn hàng rau quả, thực phẩm trống rỗng ở một vài siêu thị lập tức tràn ngập trên mạng xã hội; vô hình chung càng làm tâm lý người dân thêm phần lo lắng, đổ xô đi mua hàng, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục khẳng định không thiếu hàng hoá.

Thực tế đã chứng minh ngay sau đó, “cái thiếu” tức thời tối trước, sang đến sáng hôm nay đã được ngành chức năng lấp đầy. Sau một đêm, các siêu thị lại đầy ắp thực phẩm và cái lo của không ít người tối hôm trước đã trở thành... lo hão! 
 ... Sang ngày 19/7, thực phẩm đầy ắp trên các kệ hàng, thoải mái để phục vụ nhu cầu của người dân (Ảnh: Internet)
Đem câu chuyện nêu trên trao đổi với người em ở quận Thanh Xuân, nó cười phá lên và cho biết: "Tối qua mấy vị hàng xóm ở chung cư em cũng cuống lên ra siêu thị ôm một đống; riêng nhà em vẫn bình thản vì rau quả, thực phẩm là thứ chỉ nên dùng trong vài ngày; hết rồi lại mua, việc gì phải tích trữ cho mệt. Vì trong lúc như thế này, chắc chắn chính quyền TP đã có phương án để phục vụ nhu cầu về rau quả, thực phẩm cho người dân".