Saturday, 09:04 16/05/2015
Đừng làm thay doanh nghiệp!
Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, một loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá thê thảm. Còn nhớ...
Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, một loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá thê thảm. Còn nhớ vào dịp Tết vừa qua, tại các tỉnh miền Bắc như: Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa…, giá rau giảm xuống mức khó tưởng tượng.
Tiếp đến là gạo, trong tháng 3, Chính phủ đã phải quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) để giúp nông dân miền Tây tiêu thụ được lúa Đông Xuân. Rồi những ngày đầu hè, tháng 4, hàng loạt trái cây giá rẻ xuất hiện tràn lan khắp các đường lớn tới ngõ hẻm tại những TP lớn. Giá của nhiều loại trái cây dao động trong mức rất thấp, từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Rồi đến giá dưa hấu của người dân Quảng Ngãi: 100kg dưa, người trồng thu được khoảng… 30.000 đồng. Trong khi dưa vẫn đang dồn đống, đến lượt hành tây Đà Lạt rớt giá thê thảm, chỉ là 500 - 1.000 đồng/kg. Trong nửa đầu tháng 5 này, tại tỉnh Cà Mau, đã có gần 30 tấn thanh long bị vứt bỏ bởi không tìm được đầu ra…

Trước những thông tin nông sản được mùa, mất giá dồn dập thời gian qua (có lẽ tần suất nhiều hơn mọi năm), năm nay đã chứng kiến sự chia sẻ của cộng đồng bằng những hành động khá cụ thể. Thậm chí, mới đây nhất, Bộ GTVT phát động chương trình uống sữa thay bia; còn trước đó, Bộ Công Thương mua dưa rồi bán lại cho CBNV trong Bộ để ủng hộ người trồng dưa… Đây là những chương trình trước nay chưa có và khá hiệu quả. Đơn cử như chương trình uống sữa thay bia ở Bộ GTVT, khởi động từ đầu tháng 5 đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía lãnh đạo, CBNV. Bộ cũng thực hiện dùng sữa trong các hội nghị, hội thảo, tiếp khách, kể cả trong cuộc họp ban cán sự hoặc trong các chương trình hoạt động thực tế khác... Với phong trào mua dưa ủng hộ tại Bộ Công Thương, cũng đã có hàng chục tấn dưa được tiêu thụ. Ngoài ra, được biết, nhiều tỉnh, TP cũng đã đưa kế hoạch tiêu thụ dưa hấu, hành tím, thanh long… để khuyến khích các đơn vị, DN thu mua giải cứu phần nào những sản phẩm nông sản của các hộ nông dân.
Những việc làm trên, đứng ở một góc độ nào đó đã góp phần xây dựng ý thức, thay đổi thói quen và tạo sự sẻ chia của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu những cơ quan quản lý có tính chất đầu ngành của nền kinh tế như Bộ Công Thương hay Bộ GTVT tham gia những chương trình như vậy xem ra chỉ là cách làm nhất thời, mang tính chất làm hình ảnh nhiều hơn. Vấn đề của người nông dân là cần có một chính sách căn bản, lâu dài, sản phẩm nông sản làm ra có được thị trường tiêu thụ ổn định thay vì xuống đường mua dưa, hay phát động tiêu thụ sữa…
Thông thường ở nhiều nước trên thế giới, các cơ quan quản lý không cần phải làm việc nhiều như ở Việt Nam. Vì DN kinh doanh của họ được xây dựng rất mạnh, việc tìm kiếm thị trường vì thế được giao cho những DN, tập đoàn sản xuất này đứng ra tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm. Có như vậy mới tạo ra được lợi thế kinh doanh, người dân hưởng lợi. Còn nếu như với cách làm hiện nay sẽ không thể tạo ra được một sự thay đổi cũng như sự đột phá nào trong phát triển nông nghiệp và tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt.