Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dựng nò săn tôm, cá ở vùng nước “chè hai”

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cùng với sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, số nò ở vùng nước “chè hai”- nơi giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn- dần thưa vắng.

“Sớm mai kéo lưới, đổ nò”

Trời đứng bóng, gió trên sông thổi vào lồng lộng, ông Nguyễn Ngọc Sơn (59 tuổi, xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đứng dưới rặng dừa, chong mắt nhìn ra cái nò cách bờ chừng vài chục mét, giọng trầm ngâm, hồi tưởng: “Cách đây 10 năm, 1 nò là đủ nuôi sống cả gia đình. Không những bắt tôm, nò còn bắt được cả cá. Mùa hè tầm 6 giờ chiều, mùa đông 5 giờ đi thả nò, tầm 4-5 giờ sáng hôm sau vớt nò lên. Mỗi lần đổ nò, thu được dăm ba ký là chuyện bình thường”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn tự hào nhắc về ký ức ở Cà Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn tự hào nhắc về ký ức ở Cà Ninh.

Triền miên trong ký ức, ông Sơn tự hào nhắc lại chuyện xưa: “Khúc sông này đã nuôi nhiều thế hệ người Cà Ninh. Ai sức khỏe yếu làm sông nước, ngày thu nhập chừng vài ba trăm nghìn, ai mạnh hơn thì đi làm biển. Ở đây chủ yếu là tôm cá, ốc dừa, nghêu..., mùa đông còn có cá chình. Thời đó, Cà Ninh cá, tôm nhiều vô kể nên cò cũng rủ nhau về trú ngụ ở rừng dừa. Chúng bay thành đàn, đẹp lắm. Dân xứ này còn có câu ca: “Sớm mai kéo lưới, đổ nò. Nhớ mùa đông đến có đàn cò bay”.

Nò mà ông Sơn nói đến là một ngư cụ truyền thống khá đặc biệt của người dân Cà Ninh. Những chiếc nò mà người dân nơi đây dùng để bẫy cá, tôm trên sông chủ yếu được làm bằng tre và cây ráng biển - một loại cây mọc hoang ở những vùng nước ngập mặn ở Cà Ninh. Nò chủ yếu bắt tôm, khi nào nước lớn thì có thêm cá. Nò được đặt chìm dưới sông để tôm, cá theo luồng nước chảy mà trôi vào.

Nò là ngư cụ truyền thống của người dân Cà Ninh.
Nò là ngư cụ truyền thống của người dân Cà Ninh.

Nò có 2 bộ phận chính là vách nò và thân nò. Vách nò đảm nhận nhiệm vụ đưa cá, tôm vào thân nò. Khi dựng vách nò, phải cắm cọc tre xuống đáy sông theo sơ đồ hình chữ V. Sau đó, tiếp tục dùng 15 - 20 tấm phên được đan từ cành cây ráng biển với bề rộng mỗi tấm phên cỡ 4m để nẹp và cột chặt vào cọc. Các tấm phên phải được cắm xuống đáy sông thật chắn chắn, có như thế tôm, cá mới không lọt ra khỏi vách nò.

“Thân nò được đặt tại phần hẹp nhất của hai vách nò. Các loại cá, tôm sau khi bơi vào khu vực vách nò, sẽ tiếp tục rơi vào thân nò và không thể thoát ra được nữa, bởi thân nò có cấu tạo tương tự như những chiếc lờ thả cá, nhưng kích thước lớn hơn nhiều, lại được bao phủ bởi lưới"-  anh Phạm Tuân (34 tuổi)- chủ nhân 2 chiếc nò trên sông Cà Ninh, giải thích tỉ mỉ cách thức dựng nò.

Tôm đất- loại tôm sinh sản trong tự nhiên được bắt bởi nò.
Tôm đất- loại tôm sinh sản trong tự nhiên được bắt bởi nò.

Dựng được một nò khá tốn kém và tốn nhiều công sức, tuy nhiên chỉ cần dựng một lần, về sau cứ cây tre nào hỏng, mục thì thay thế. Vì vậy, nò có thể giữ suốt 2-3 năm và lâu hơn nếu được sửa chữa thường xuyên.

Theo người dân, thuở trước, ở khúc sông này, có đến khoảng 40 chiếc nò được người dân dựng lên để săn tôm, cá. Những chiếc nò được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như nò của anh Tuân, cũng là được “thừa kế”.

Nơi anh Tuân đặt nò hiện tại, chính là vị trí mà ông nội để lại. Ở từng chiếc nò, ở mỗi khúc sông, không ai cắm bảng, ghi tên, nhưng tự mỗi gia đình đều ngầm hiểu với nhau về những vị trí đặt nò của mình. Bởi vì đấy là vị trí được truyền lại từ đời trước

“Nò đặt ở nơi có dòng nước chảy. Muốn biết hướng nước chảy thì ném 1 cái lá xuống để định hướng. Nhờ cái nò mà nuôi sống gia đình, thời trước, chừng 4-5 tiếng là nò đầy tôm, xúc được cả thúng”- anh Tuân chia sẻ.

Giữ nò - giữ ký ức

Rừng dừa nước Cà Ninh có nguồn lợi thủy sản đa dạng, dưới đáy là bùn non rất thích hợp cho tôm sinh sôi, phát triển. Ngoài tôm, cá, nhánh sông này còn là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật nước lợ khác như chem chép, don, dộp… Theo kinh nghiệm của người dân, vào độ mùa đông, từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch là nhiều cá, tôm nhất.

Người dân Cà Ninh chèo ghe đi thả nò.
Người dân Cà Ninh chèo ghe đi thả nò.

Nối tiếp câu chuyện, ông Phạm Tấn Tước (81 tuổi) chép miệng tiếc nuối: “Nguồn lợi không còn như ngày trước, tôm cá ít dần đi, khúc sông này chỉ còn dăm cái nò, ngày cũng chỉ thu được vài lạng, kiếm thêm ít tiền mua đồ ăn trong ngày. Trước kia dân ở đây làm nò nhiều lắm, giờ ít hẳn rồi...".

Mùa đông, trời sập tối rất nhanh. Trong xóm, vài người lại chèo ghe đi thả nò. Chiếc ghe nhỏ lướt trên dòng sông, mái chèo tạo nên những vệt sóng, lao xao, khuấy động mặt nước yên bình.

Có bữa, trong nò chỉ toàn rong rêu, không có tôm, cá.
Có bữa, trong nò chỉ toàn rong rêu, không có tôm, cá.

“Bây giờ đa số người dân chủ yếu đánh bắt cá bằng lồng, cá chưa vào nò đã mắc vào lưới lồng thả chìm trên sông. Dù vậy, nò là cách làm cha ông để lại nên vẫn tiếp tục giữ nghề, chủ yếu cho vui, chứ bữa có cá tôm, bữa chỉ toàn rong rêu”- ông Tô Xuân Bửu (46 tuổi) khẽ thở dài.

 

Theo ông Lê Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước, nò là hình thức đơm (bắt) cá, tôm từ ngày xưa để lại. Một phần, người dân giữ lại những nò là hình thức trải nghiệm, khám phá cho du khách khi đến thăm rừng dừa nước Cà Ninh. Hằng năm, Sở Nông nghiệp- Phát triển bông thôn, Chi cục Thủy sản đều thả cá, tôm, cua ở khu vực này để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngày trước, ở Cà Ninh, mỗi hộ dân ven sông đều giữ cho gia đình mình vài chiếc nò để bắt cá, tôm. Thậm chí, những chiếc nò giữ vai trò quan trọng với cuộc sống người dân đến mức, người xóm Cà Ninh đã tự lập ra quy ước về những vị trí đặt nò trên sông tương ứng với từng gia đình và tuân thủ nghiêm ngặt qua nhiều thế hệ.

Bây giờ, nhiều người khai thác bằng lưới lồng, chích điện. Hình thức đánh bắt tận thu và hủy diệt đã làm ngày một nghèo thêm sản vật. Cuộc sống của người làm nghề chài lưới cũng không còn dễ dàng.

Trong hồi ức của ông Nguyễn Mãi- trưởng thôn Phú Long 3, thời điểm năm 2015, dẫu số lượng nò đặt trên sông Cà Ninh đã sụt giảm nhiều so với trước, nhưng vẫn còn gần 40 nò, đến nay, người dân địa phương chỉ còn giữ lại 7 nò. Dù vậy, con sông và rừng dừa nước Cà Ninh vẫn có nhiều tiềm năng giúp người dân nâng cao thu nhập.

Cà Ninh đang hướng tới phát triển du lịch sinh thái.
Cà Ninh đang hướng tới phát triển du lịch sinh thái.

“Rừng dừa nước Cà Ninh có diện tích khoảng 100ha, ngoài giá trị điều hòa không khí và duy trì nguồn lợi thủy sản còn giúp người dân có cơ hội nâng cao thu nhập. Nơi sông nước hữu tình, chính quyền xã Bình Phước đang phát triển rừng dừa nước Cà Ninh trở thành điểm du lịch sinh thái mới của huyện Bình Sơn nhằm phục vụ du khách đến khám phá, trải nghiệm”- ông  Mãi chia sẻ.