Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng sổ đỏ giả mua bán nhà đất bị xử lý thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi 

Vợ chồng tôi đang tìm mua một mảnh đất trên các trang thông tin về bất động sản qua mạng, được một người giới thiệu đến xem đất. Tuy nhiên gần đây chúng tôi mới phát hiện ra người này dùng sổ đỏ giả. Vậy, việc dùng sổ đỏ giả mua bán nhà đất sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời

Sổ đỏ là từ ngữ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, người sử dụng sổ đỏ giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp xử lý vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, nếu hành vi sử dụng sổ đỏ giả để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tối đa 30.000.000 đồng. 

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng theo khoản 4 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Điểm b khoản 5 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định trường hợp cơ quan đăng ký đất đai đã đăng ký biến động vào sổ địa chính mà phát hiện giấy tờ trong hồ sơ đăng ký biến động (hồ sơ đăng ký sang tên là giả) thì hủy bỏ kết quả thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng.

Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xem xét trách nhiệm hình sự

Nếu người sử dụng sổ đỏ giả mua bán nhà đất mà thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì tuỳ theo kết luận điều tra mà khung hình phạt cao nhất là chung thân theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu giá trị chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên. Cụ thể: 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn