Dùng sổ đỏ giả thế chấp bảo lãnh khoản vay, xử lý như thế nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Câu hỏi

Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp các đối tượng dùng sổ đỏ giả để đi thế chấp bảo lãnh khoản vay giữa các cá nhân, nếu bị phát hiện thì sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời

Theo như thông tin bạn cung cấp, các đối tượng sử dụng hành vi, thủ đoạn gian dối khi cung cấp giấy tờ là sổ đỏ giả để đánh lừa, khiến bị hại tin tưởng là thật để giao kết hợp đồng vay mượn. Dù các bên thỏa thuận là vay mượn, nhưng với việc không trả tài sản thì có thể hiểu đối tượng có mục đích chính để chiếm đoạt tài sản, việc chiếm đoạt hoàn thành khi bị hại giao tiền. Vì vậy, hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất trong tội này là tù chung thân. Ngoài ra, các đối tượng còn bị xem xét xử lý về hành vi làm giả giấy tờ còn có thể bị xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 3 - 7 năm.

Đối với các giao dịch liên quan đến đất đai, cần phải kiểm tra kỹ thông tin về giấy tờ, thửa đất, chủ sở hữu, hoặc liên hệ các cơ quan nhà nước, văn phòng công chứng để xác minh tính xác thực về thửa đất, giấy tờ trước khi tiến hành giao dịch.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh - Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn