Dùng thời gian hợp lý

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bác sĩ ở Mỹ chia sẻ câu chuyện dùng thời gian bất hợp lý của nhiều người.

Anh kể: “Mỗi ngày, tôi đều nghe câu nói này từ bệnh nhân của tôi, từ bạn bè, và từ cả những người tôi mới gặp lần đầu. Khi bệnh nhân của tôi nói là không có 15 phút đi độ tập trị liệu để giảm đau lưng nhưng bác thú thật bác đã dành cả giờ đồng hồ nằm đọc tin Facebook chuyện thật giả nghệ sĩ quyên tiền làm từ thiện”.

Thực tế, nhiều người không hiểu lý do vì sao mỗi khi nhắc đến dành thời gian cho khám hay chữa bệnh đều than bận quá, dù họ cũng có đủ 24 tiếng mỗi ngày như mọi người, cũng có thể ngồi uống nước, trò chuyện hàng tiếng đồng hồ. Kiểu người suốt ngày than: “Tôi bận quá” khá phổ biến trong xã hội.

Tuy nhiên, tôi từng gặp một người làm rất nhiều việc trong ngày nhưng luôn nói: “Mình là tỷ phú thời gian”. Ông là giảng viên đại học (do là phó giáo sư nên tiết dạy không nhiều), bác sĩ ở bệnh viện nhà nước (trực vài ba buổi/ tuần), bác sĩ cố vấn chuyên môn cho một bệnh viện, chủ một bệnh viện tư, hai phòng khám tư; ngoài ra còn có các việc như hướng dẫn các luận án tiến sĩ, thạc sĩ, rồi còn viết sách, viết truyện, viết báo… Dù đầu việc rất nhiều nhưng trông ông lúc nào cũng ung dung, bước đi chậm rãi, thong thả. Ông vẫn sắp xếp thời gian để làm vài chai bia với bạn bè (gần như là hàng ngày), dự đám cưới, đám hiếu, hỉ...

Quan sát thực tế, tôi thấy vị bác sĩ nói trên dành thời gian gặp bạn chủ yếu sau 10 giờ khi khám phòng mạch xong, ngồi chừng 1 tiếng về ngủ. Ông cho biết: “Tôi dậy lúc 5 giờ sáng, nếu có ca cấp cứu thì có khi 2 hay 3 giờ sáng để bắt đầu chuẩn bị ngày mới”. Ông buổi trưa thường ăn cơm với công sự hoặc bạn; lúc này, nếu có công việc thì xúc tiến luôn như phân công ai làm gì đó, đàm phán ký hợp đồng với bác sĩ mới… Công việc trong bữa trưa chỉ diễn ra nhẹ nhàng trong 5 phút trước lúc ăn. Ông viết sách tranh thủ lúc rỗi trong giờ trực, viết như để thay đổi sự vận động trí não…

Thực tế, mỗi người có hoàn cảnh sống, công việc khác nhau; có người nhiều việc, người ít việc; thậm chí có người do… lười biếng nên rất ít việc. Tuy nhiên, ai cũng cần phải sắp xếp thời gian hợp lý để làm được nhiều việc với hiệu quả cao. Đầu tiên, đó là nên dậy sớm, tránh ngủ nướng. Dậy sớm trước 1 hay 2 tiếng để rèn luyện thân thể, làm việc mỗi ngày sẽ giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều nếu cộng dồn theo tuần, tháng… Thứ đến, cần xác định việc nào là việc chính, việc nào là việc phụ trong ngày để giải quyết; ngoài ra là những việc quan trọng cần nhiều ngày. Điều này giúp chúng ta giải quyết công việc hợp lý, theo thứ tự ưu tiên, như không thể nói “không có thời gian khám bệnh” nhưng lại ngồi uống nước, tán ngẫu cả tiếng. Cuối cùng là, khi giải quyết công việc cần tập trung, cần tiến hành một cách thông minh.