Được lưu hành, vaccine ngừa Covid-19 của Nga đã được tin tưởng?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế Nga hôm nay (8/9) cho biết, vaccine ngừa Covid-19 của nước này, Sputnik V, đã được đưa vào lưu hành dân sự.

Vaccine Sputnik V. 
Theo đó, loại vaccine do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, có trụ sở tại Moscow, phát triển, "đã trải qua các cuộc kiểm tra chất lượng cần thiết" để được đưa vào lưu hành trong cộng đồng, với nhiều lô hàng đang được phân phối trên khắp các khu vực của Nga.
Sergey Sobyanin - Thị trưởng Moscow - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại Nga, bày tỏ hy vọng rằng phần lớn cư dân thủ đô sẽ được tiêm ngừa trong khoảng từ 2 - 6 tháng tới.
Trước nhiều lo ngại của giới khoa học đối với phát triển chóng vánh này của Nga, The Lancet - một trong những tạp chí y khoa uy tín nhất, hôm 7/9 đã công bố các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I và II tương đối khả quan của Sputnik V, nhưng lưu ý rằng vẫn cần các thử nghiệm dài hạn để chứng minh chất lượng của vaccine.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã thông báo rằng việc tiêm Sputnik V cho các tình nguyện viên thuộc Giai đoạn III của thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu trong tuần này, hướng tới việc tiêm chủng đồng loạt tại nước này vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Trong khi nhiều nhân vật cấp cao ở Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và con gái Tổng thống Vladimir Putin, đã sớm được tiêm chủng và không cho thấy phản ứng phụ nào bất thường, nhóm người tiêm chọn lọc tuyến đầu ở Nga - nhân viên y tế và giáo viên - dường như vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn của Sputnik V.
Một công đoàn giáo viên Nga có tên "Uchitel" mới đây đã gửi một bản kiến ​​nghị trực tuyến để từ chối tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 được quốc gia phê duyệt. Bản kiến ​​nghị cho rằng không nên bắt buộc tiêm chủng cho đến khi các nghiên cứu lâm sàng hoàn tất trên người, đủ để chứng minh rằng Sputnik V an toàn và hiệu quả.
Theo kế hoạch, Nga sẽ tăng cường sản xuất vaccine lên mức 200 triệu liều vào cuối năm 2020, trong đó 30 triệu liều phục vụ riêng cho nước này. Kể từ sau khi Sputnik chính thức được đăng ký hôm 11/8, ít nhất 20 quốc gia, bao gồm UAE, Ả Rập Saudia, Indonesia, Philippines, Mexico, Brazil và Ấn Độ, đã bày tỏ mong muốn mua vaccine này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần